Vay mua nhà thời siết tín dụng

Sở hữu nhà tại những thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội là mơ ước của bất cứ lao động ngoại tỉnh nào, đặc biệt là người trẻ, nhưng nếu không tính toán kỹ sẽ dễ sa vào vòng xoáy nợ nần.

Nhà thuê là giải pháp phù hợp với gia đình trẻ có nguồn tài chính hạn chế. Ảnh: Việt Dũng

Gánh nợ sau khi mua nhà

Năm 2017, chị Vũ Thị Linh (quê ở Nghệ An) quyết định mua căn hộ tại dự án The Art tại quận 9 cũ (nay là TP. Thủ Đức) với giá 1,7 tỷ đồng, khi mà trong tay có khoảng 700 triệu đồng - là số tiền tích góp được sau 8 năm vào TP.HCM sinh sống.

“Tôi phải vay ngân hàng thêm 1 tỷ đồng để thanh toán cho chủ nhà. Lúc đó, một phần vì đã quá ‘kết’ ngôi nhà, một phần nghĩ rằng nợ có thể trả từ từ, chứ đợi đến khi đủ tiền thì không biết đến bao giờ mới mua được nhà”, chị Linh nói và chia sẻ thêm, sau khi chuyển về nhà mới, chị lập gia đình rồi sinh con và lúc này sức ép tài chính mới lộ rõ.

Chị kể, chồng là viên chức, thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, còn chị là phó giám đốc kinh doanh cho một công ty bất động sản, thu nhập phụ thuộc vào doanh số bán hàng, nên đủ chi tiêu sinh hoạt và trả lãi ngân hàng mỗi tháng với số tiền gần 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi hoạt động kinh doanh của công ty nơi việc chị làm đều bị ngưng trệ, thu nhập cũng vì vậy mà giảm mạnh. Lúc này, tất cả các khoản chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương hàng tháng của chồng nhưng không đủ, nhiều khi muốn làm thêm việc ở ngoài mà không sắp xếp được thời gian. Áp lực về tài chính càng thêm lớn khi con gái đến tuổi đi học. Để duy trì sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày và trả lãi ngân hàng mỗi tháng, chị phải vay mượn tiền từ người thân và bạn bè.

Sau gần 5 năm “gồng mình” trả lãi ngân hàng mỗi tháng, chị định bán lại căn nhà cho nhẹ gánh, nhưng chồng không đồng ý vì nếu bán đi thì không biết đến bao giờ mới có thể mua lại được.

“Giờ đây tôi chỉ muốn dành những thứ tốt nhất cho con gái, bởi cứ giật gấu vá vai mãi như thế này không ổn. Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ chọn đi thuê nhà và dành tiền để đầu tư cho con cái”, chị Linh trải lòng.

Giống như gia đình chị Linh, vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam (quê ở Bình Thuận) cũng trải qua cảnh nhiều đêm mất ngủ, âu lo ngay trong chính ngôi nhà của mình. Số là năm 2016, vợ chồng anh quyết định mua một căn hộ 67 m2 với giá 1,6 tỷ đồng ở quận Bình Tân theo diện trả góp. Khi đó, anh tích cóp được một khoản nhỏ sau vài năm lên TP.HCM lập nghiệp, còn vợ mới ra trường và đi làm với thu nhập 7 triệu đồng/tháng, nhưng để sở hữu căn nhà ưng ý, anh phải đặt cọc trước 59 triệu đồng “giữ chỗ”, sau đó vay mượn thêm nhiều nơi cho đủ khoản trả trước.

Anh Nam chia sẻ, trước khi xuống tiền, nhiều người khuyên cần phải tính toán kỹ bài toán tài chính, nhưng vì quá mong muốn có được căn nhà cho riêng mình nên vẫn quyết vay ngân hàng đến 70% giá trị căn nhà và đúng là “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, cảm giác hưng phấn khi sở hữu được căn hộ ưng ý không kéo dài, gánh nặng nợ nần bủa vây ngay những lần tới hạn trả nợ đầu tiên.

“Gần 15 triệu đồng là số tiền mà chúng tôi phải trả mỗi tháng, bao gồm cả gốc lẫn lãi. Mùng 10 hàng tháng là ngày trả nợ mà ngày mùng 5 chưa có lương là chạy khắp nơi vay mượn người thân, bạn bè, đồng nghiệp rồi khi nào có lương thì trả lại”, anh nói và cho biết thêm, từ khi mua nhà tới nay, vợ chồng anh đều từ bỏ hết các thú vui mua sắm, giải trí, dã ngoại…, những chuyến đi chơi của vợ chồng chỉ loanh quanh thành phố hoặc xa nhất là về Lâm Đồng (quê vợ) hay Bình Thuận (quê anh) mỗi năm một, hai lần.

“Mua nhà để an cư mà an cư đâu chưa thấy, chỉ thấy mất ngủ rồi làm quần quật trả nợ”, anh Nam than thở.

Cũng vì gánh nặng tài chính mà mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng trở nên thường xuyên hơn. Cuối cùng, anh quyết định bán căn nhà với giá 1,7 tỷ đồng, cao hơn 400 triệu đồng so với thời điểm mua, rồi trả dứt nợ cho ngân hàng. Hiện tại, vợ chồng anh đi thuê nhà, số tiền hai vợ chồng kiếm được mỗi tháng thay vì để trả nợ ngân hàng thì giờ đây dùng để đầu tư cho con cái học hành.

“Nghĩ lại, nếu trở về 6 năm trước thì tôi sẽ không vay quá nhiều để mua nhà. Người ta nói, vay nợ mua nhà tạo động lực giúp mình làm việc hết mình, nhưng phải xem việc đó là việc gì, nếu thu nhập không cao và ổn định thì không nên vay”, người đàn ông 35 tuổi này nói.

Sở hữu nhà ở thành phố lớn không đơn giản. Ảnh: Việt Dũng

Cần có kế hoạch dài hơi

Trong bối cảnh nguồn cung mới khan hiếm, giá bán liên tục leo thang như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, người lao động ngoại tỉnh làm việc tại những đô thị lớn không nhất thiết phải có nhà bằng mọi giá, nhất là khi tài chính còn hạn hẹp.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, đối với hầu hết người trẻ muốn mua nhà ở thành phố, áp lực lớn nhất là hạn chế về tài chính, trong khi thị trường không có nhiều chọn lựa cho nơi ở vừa túi tiền. Chưa kể, những dự án căn hộ càng giá rẻ thì sẽ khó ưng ý về dịch vụ, tiện ích, địa điểm..., giá trị gia tăng theo thời gian cũng không nhiều.

Kế đến là áp lực trả nợ. Lãi suất ngân hàng sẽ cao trong giai đoạn đầu nếu người mua chỉ có được 30% tiền trả trước, tức là càng vay nhiều thì áp lực trả nợ càng lớn. Trong trường hợp này, trừ khi có thu nhập cao và ổn định thì người vay mới có thể đảm bảo được khả năng thanh toán gốc và lãi.

“Người mua nhà cần có một khoản dự phòng, nếu dồn hết tiền để mua rồi nghĩ cố làm việc là có thể trả được nợ thì sẽ dễ gặp rủi ro thanh toán trong trường hợp biến cố không mong muốn xảy ra. Mua nhà là để có nơi an cư, có được hạnh phúc trong căn nhà của mình, nhưng nếu không tính toán kỹ rất dễ trở thành gánh nặng”, ông Hiển lưu ý.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc một công ty môi giới bất động sản có trụ sở tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho rằng, khi muốn mua nhà, người trẻ cần tính toán kỹ lưỡng và có kế hoạch cụ thể, chẳng hạn lựa chọn căn nhà phù hợp với thu nhập và nhu cầu thực tế, các dự án có chương trình hỗ trợ tài chính, chuẩn bị sẵn nguồn tài chính tối thiểu 50% giá trị căn nhà, có kế hoạch gia tăng thu nhập và phân bổ tài chính cá nhân phù hợp, theo dõi biến động của thị trường…

“Tạo lập nơi ở cho lao động ngoại tỉnh tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội luôn là vấn đề nan giải khi quỹ đất trong nội đô ngày một hạn chế, quy mô dân số ngày càng tăng. Vì thế, người có nhu cầu mua nhà hãy lập cho mình một kế hoạch chi tiết trong dài hạn, đặc biệt là xác định rõ khả năng tài chính của mình để tránh rủi ro thanh toán, chỉ như vậy mới có thể nhanh chóng sở hữu được căn nhà cho riêng mình”, ông Dũng nhấn mạnh.