9 năm học tập "bị" quyết định bởi... 3 tiếng đồng hồ
Nhà có 3 đứa con, từ khi các con đi học, chị Lê Thu Oanh, ở TPHCM thấm thía nỗi ám ảnh thi lớp 10 của các con. Đứa đầu chưa có kinh nghiệm cho ôn thi và chọn trường, cháu trầy trật đỗ vào nguyện vọng cuối cùng vào một trường xa nhà gần 20 cây số.
Đứa thứ 2 vừa thi năm nay, ngoài học thêm ở trường chị còn cho con luyện thi bên ngoài từ năm lớp 7 như bạn bè, có những giai đoạn con ôn thi quên ăn quên ngủ, suy kiệt tinh thần.
Cháu có sức học vừa phải, không quá xuất sắc dù rất ham học. Thời điểm cháu thi, cả gia đình rơi vào căng thẳng, lúc nào cũng phập phồng không dám nghĩ đến viễn cảnh con rớt lớp 10.
Dù cháu đã chọn một trường vừa sức nhưng cả nhà như ngồi trên lửa chờ điểm chuẩn, còn riêng con thì tâm trạng sợ hãi, rớt lớp 10 là một thất bại quá khủng khiếp với cháu.
Ngày 11/7, Sở GD-ĐT TPHCM công bố điểm chuẩn, con chị may mắn trúng tuyển khi trường có điểm chuẩn thấp hơn mọi năm. Nhưng một vài người bạn của con đang rối bời, hoảng loạn vì thi rớt dù nhiều cháu đã rất nỗ lực học tập, cân nhắc khi chọn trường.
Theo chị Oanh, kỳ thi này khốc liệt ở chỗ là dù con học tốt nhưng chỉ cần thiếu tỉnh táo và cả may mắn trong chuyện nguyện vọng vẫn có thể rớt, chỉ tiêu chỉ từng đó, số còn lại là phải rớt. Các con phải luyện thi, ôn luyện nhưng cũng phải đánh đu cho số phận may rủi.
Quá trình học tập 9 năm của trẻ được quyết định chỉ bởi hơn 3 tiếng đồng hồ làm bài trong một kỳ thi. Thi cử để đánh giá một quá trình học tập nhưng cũng là một "bản án" với nhiều đứa trẻ.
Thực tế, nhiều em có khát khao học tập, học lực tốt vẫn rớt lớp 10 vì các yếu tố về tâm lý, thiếu may mắn. Nhiều người ví von học trò thi lớp 10 như "đánh bạc", trường các em chọn các năm điểm thấp giờ có thể tăng vọt...
Kỳ thi lớp 10 ám ảnh bất kỳ phụ huynh nào có con đi học. Kể cả những ông bố bà mẹ con mới tiểu học cũng ngồi không yên theo tỷ lệ cạnh tranh vào lớp 10, theo điểm số, điểm chuẩn của kỳ thi... với nỗi lo "con không đỗ lớp 10".
Ở TPHCM năm nay có gần khoảng 108.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó gần 93.000 thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 để kiếm một "ghế" trong hơn 72.000 chỉ tiêu lớp 10 công lập.
Ở Hà Nội, con số còn khốc liệt hơn nữa khi có khoảng 107.000 em đăng ký thi vào lớp 10 và trong số này chỉ khoảng 64,7% sẽ trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Chỉ riêng ở hai thành phố lớn nhất nước, hơn 50.000 học sinh phải đối diện với cú sốc lớn nhất trong cuộc đời, nhiều em và nhiều gia đình rất khó để vượt qua.
Vừa cùng con trải qua kỳ thi này, chị Trần Hồng Hải, có con tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm nay tại Hà Nội phải thốt lên: "Chỉ mong dừng ngay kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 quá khốc liệt ở các thành phố lớn".
Chị đang chứng kiến những đứa trẻ gục ngã trước áp lực này, gia đình suy sụp, kể cả việc tìm trường tư cũng không dễ dàng.
"Có mẹ gọi điện kể gia đình họ cuống cuồng, con thì nước mắt lưng tròng sau khi biết kết quả. Tôi chỉ có thể ngừng chia sẻ thông tin cá nhân về kỳ thi này vì không muốn tạo bất cứ áp lực nào với các mẹ, các bạn vừa có kết quả", người mẹ nói.
Hướng nghiệp cần giúp trẻ chủ động lựa chọn
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế Canada cho biết, nguồn gốc sâu xa của kỳ thi lớp 10 liên quan đến chủ trương phân luồng. Đề án phân luồng đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh sau THCS theo hướng học nghề, vậy nên chỉ tiêu vào lớp 10 mỗi năm ở các địa phương sẽ giảm dần.
Chủ trương như vậy nhưng yếu tố văn hóa là rào cản theo bà Huyền xảy ra ở tất cả các quốc gia khu vực Châu Á, không riêng ở Việt Nam.
Chủ trương này chỉ tác động được đến một bộ phận phụ huynh, còn phần lớn phụ huynh vẫn muốn con mình đi theo con đường học thuật học hết lớp 12, con rớt thì học trường tư.
Nói về áp lực khủng khiếp mà trẻ và phụ huynh phải đối diện ở kỳ thi này, bà Huyền nêu góc nhìn đây là một kỳ thi không công bằng với trẻ. Điều không công bằng này xuất phát từ việc hướng nghiệp chưa đủ tốt, chưa cho học sinh cơ hội hiểu biết đủ về điểm mạnh, điểm yếu, về cơ hội học tập... để trẻ có lựa chọn ở tâm thế chủ động.
Nếu được hướng nghiệp tốt, nhiều học sinh học xong lớp 9 không nhất thiết phải thi lớp 10, phải cạnh tranh ở kỳ thi căng thẳng mà sẽ chủ động lựa chọn học nghề ngay.
"Nhưng truyền thông hướng nghiệp không đủ nên tất cả các em đều thi lớp 10 và cảm thấy số phận của mình bị quyết định bởi một kỳ thi chứ không phải do mình quyết định", TS Nguyễn Thị Thu Huyền nêu quan điểm.
Theo bà Huyền, điều cần làm nhất là đẩy mạnh công tác hướng nghiệp để giải thích cho phụ huynh hiểu về giá trị của học nghề, hiểu rõ học nghề nhưng học sinh vẫn có thể có bằng phổ thông và tiếp tục học lên cao đẳng, đại học.
Con đường này có hội nghề nghiệp, cơ hội thu nhập, thành công rất rộng mở. Khi hiểu đủ, phụ huynh, học sinh mới có thể lựa chọn một cách tự nguyện.
Bà Huyền cũng chia sẻ, chất lượng đào tạo ở các trường nghề chính là giải pháp dài hạn thúc đẩy công tác hướng nghiệp. Chất lượng ở các trường nghề không chỉ là cơ sở vật chất, chương trình mà yếu tố cần quan tâm còn là chất lượng giáo viên, giảng viên.
Đào tạo nghề tốt sẽ tạo được mặt bằng người lao động cho phép doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, nhiều vị trí không nhất thiết phải tuyển bằng đại học mà chỉ cần trung cấp, cao đẳng nghề.
TS Nguyễn Thị Thu Huyền cũng thông tin, ở Phần Lan tỷ lệ sau lớp 9 là 50 - 50, chỉ có 50% học sinh đi học tiếp học tiếp lên cấp 3, còn 50% đi học nghề, sau đó các bạn có thể vào các đại học ứng dụng hoặc có thể chuyển đổi sang học nghiên cứu mà không có sự ràng buộc nào.