Vì sao Nga - Ukraine "bất phân thắng bại" trong kiểm soát vùng trời?

Gần 5 tháng chiến sự trôi qua, Nga vẫn đang chiếm ưu thế nhất định trên không phận Ukraine nhưng Moscow chưa kiểm soát được hoàn toàn vùng trời của đối thủ.
Vì sao Nga - Ukraine bất phân thắng bại trong kiểm soát vùng trời? - 1

Một phi cơ Su-35 (Ảnh: Tass).

Theo chuyên trang quân sự 19fortyfive, trong vài tháng qua, giới chuyên gia quân sự đã mổ xẻ lý do vì sao Nga dù vượt trội về khí tài quân sự nhưng lại chưa thể kiểm soát được hoàn toàn vùng trời Ukraine.

Nhà phân tích Robert Farley nhận định rằng, việc áp đảo phòng không đối phương (SEAD) là không dễ dàng. Theo ông này, các máy bay Nga dường như gặp phải khó khăn trong việc phát hiện và tiêu diệt phòng không Ukraine. Trên thực tế, nhiều vụ tấn công của Nga vào hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) của Ukraine là từ mặt đất, không phải từ trên không.

Một thách thức mà Nga phải đối mặt đó chính là sự phát triển ngày càng nhanh của các tên lửa phòng không. Ukraine được phương Tây chuyển giao cho nhiều loại hỏa lực hiện đại và việc đưa máy bay vào tầm của những tên lửa này để tìm cách kiểm soát không phận không phải là ý kiến sáng suốt.

Trong khi đó, các tiêm kích của Ukraine thường chỉ hoạt động trong tầm phòng ngự của các lá chắn phòng không và gần căn cứ của họ. Theo ông Farley, Nga sở hữu vũ khí để tấn công trên không từ tầm xa, nhưng số lượng chưa đủ để họ có thể áp đảo được Ukraine. Điều đó có nghĩa là, Ukraine dù bất lợi về mặt số lượng khí tài, nhưng Kiev vẫn duy trì được phi đội máy bay để làm nhiệm vụ trong các khu vực có bảo vệ.

Với Ukraine, trước lực lượng Nga áp đảo về tiềm lực quân sự, họ không thể làm gì nhiều trên không, ngoài việc bảo toàn lực lượng để tác chiến khi có nhiệm vụ quan trọng. Ukraine hiện cũng đối mặt với việc thiếu phụ tùng, cơ sở bảo trì phi cơ để các máy bay hiện tại đủ điều kiện chiến đấu liên tục. Việc trông chờ phương Tây gửi tiêm kích dường như là kịch bản xa vời, vì nó sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề như đào tạo phi công, linh kiện sửa chữa, các yếu tố hậu cần đi kèm để có thể vận hành trơn tru các "chim sắt".

Với Nga, dù vượt trội hơn Ukraine về tiềm lực quân sự, nhưng Moscow không thể đặt dàn tiêm kích của họ rơi vào kịch bản rủi ro trong một cuộc chiến tiêu hao sinh lực lớn và lâu dài như vậy. Việc thay thế tiêm kích, đào tạo lại phi công không phải là điều có thể một sớm một chiều làm được. Vì vậy, Nga dường như sẽ không đánh cược những quân nhân và máy bay tốt nhất của họ để theo đuổi mục tiêu vừa khó thực hiện vừa khó duy trì lâu dài như SEAD.

Yếu tố UAV

Vì sao Nga - Ukraine bất phân thắng bại trong kiểm soát vùng trời? - 2

Một UAV TB2- dòng vũ khí quân đội Ukraine triển khai trong thời gian qua (Ảnh: The Drive).

Sự xuất hiện của máy bay không người lái (UAV) được xem cũng là yếu tố tác động tới chiến lược của cả Nga và Ukraine. Trong giai đoạn đầu của chiến sự, khi các tiêm kích của Ukraine hoạt động cầm chừng, các UAV giá thành rẻ, không gây rủi ro về nhân lực đã được Kiev triển khai để ngăn đà tiến của lực lượng mặt đất Nga ở một số khu vực.

Tuy nhiên, Nga sau đó đã bắt đầu có biện pháp đáp trả, thông qua việc nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử nhằm chặn và đánh gục UAV của Ukraine. Tại Donbass, Nga sở hữu ưu thế rất lớn về số lượng lá chắn phòng không và thiết bị gây nhiễu nên họ có thể kiểm soát được vùng trời tại khu vực này khá hiệu quả. Họ có từng loại thiết bị khác nhau để đối phó với từng loại UAV của Ukraine ở các độ cao tác chiến khác nhau.

Theo giới chuyên gia, điều này cho thấy, UAV đang đóng một vai trò rất giống với máy bay trinh sát và máy bay tấn công hạng nhẹ trong các cuộc chiến trong quá khứ, nhưng điều này không có nghĩa là UAV có thể hoàn toàn thay thế được vai trò của máy bay cánh cố định, phi cơ phản lực kích thước lớn, bay nhanh truyền thống.

Theo chuyên gia Farley, thế "bất phân thắng bại" của Nga và Ukraine trong việc đạt được SEAD là do tính toán chiến lược của 2 bên. Trên thực tế, theo chuyên gia này, sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp vai trò của không quân. Các nhiệm vụ không quân từ các vụ tấn công tầm xa, cho tới hỗ trợ cận chiến tầm gần, trinh sát và vận tải đường không là những yếu tố quyết định làm nên thành công của một cuộc chiến.

Chuyên gia trên nhận định, trong vài tháng tới, việc Ukraine có thể tận dụng các khí tài phương Tây để đạt ưu thế trên không trước Nga, hoặc chỉ cần ngang bằng Moscow, có thể ảnh hưởng tới cục diện chiến sự.