Vì sao Nhật Bản sẽ không sớm chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng?

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), quyết định nới biên độ tăng lợi suất trái phiếu mục tiêu vào tuần trước của BOJ nhằm tăng cường hiệu quả của chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, chứ không phải là bước đi đầu tiên tiến tới chấm dứt chính sách này...

chinh-sach-sieu-noi-long-1672192478.jpeg Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda - Ảnh: Getty Images

Thống đốc Haruhiko Kuroda đã bác bỏ khả năng ngân hàng này chắm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng rằng tình trạng thiếu lao động đang ngày càng trầm trọng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đi đến quyết định tăng lương. 

Theo ông Kuroda, quyết định nới biên độ tăng lợi suất trái phiếu mục tiêu vào tuần trước của BOJ nhằm tăng cường hiệu quả của chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, chứ không phải là bước đi đầu tiên tiến tới chấm dứt chính sách này.

“Đây tuyệt đối không phải là một bước đi hướng tới chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của chúng tôi. BOJ nhắm tới đạt mục tiêu ổn định giá cả một cách bền vững, đi kèm với việc tăng lương, bằng cách tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ theo chương trình kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC)”, Thống đốc BOJ nhấn mạnh tại một cuộc họp ngày 26/12.

Cũng theo ông Kuroda, lạm phát tiêu dùng bình quân của Nhật sẽ về dưới mức 2% mục tiêu của BOJ trong năm tài khóa tới nhờ tác động của chi phí nhập khẩu cao đang giảm dần.

Dù vậy, ông cho rằng tăng trưởng tiền lương có thể sẽ tăng dần do tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng và những thay đổi về cơ cấu trên thị trường việc làm của Nhật Bản. Điều này sẽ dẫn đến mức lương cao hơn cho người lao động tạm thời và tăng số lượng người lao động dài hạn.

“Dự báo các điều kiện thị trường lao động ở Nhật Bản sẽ thắt chặt hơn nữa, và việc ấn định giá và tiền lương của các công ty cũng có thể sẽ thay đổi”, ông Kuroda nói. “Theo đó, Nhật Bản đang tiến đến một thời điểm quan trọng để thoát ra khỏi thời kỳ lạm phát thấp và tăng trưởng thấp kéo dài thời gian qua”.

Tăng trưởng tiền lương được xem là một nhân tố quan trọng quyết định việc BOJ sẽ sớm nâng mục tiêu kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu hay không. Hiện tại, mức lợi suất mục tiêu đối với trái phiếu ngắn hạn là -0,1%, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là khoảng 0%.

Tuần trước, BOJ đã gây sốc cho thị trường khi bất ngờ nâng biên độ tăng lợi suất mục tiêu của trái phiếu kỳ hạn 10 năm từ 0,25% lên 0,5%. Tuy nhiên, với lạm phát vượt quá mục tiêu 2%, nhiều nhà phân tích dự báo BOJ sẽ nâng lợi suất mục tiêu khi nhiệm kỳ của ông Kuroda kết thúc vào tháng 4/2023.

Trong khi nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu tăng giá cả hàng hóa để chuyển bớt gánh nặng chi phí sang các hộ gia đình, BOJ phải cân nhắc xem liệu động thái này của các doanh nghiệp có thể trở thành một tiêu chuẩn mới tại Nhật bản hay không - theo ông Kuroda.

“Kết quả của các cuộc đàm phán tiền lương giữa các công ty lớn và công đoàn vào mùa xuân năm tới cũng sẽ là chìa khóa cho triển vọng tăng trưởng tiền lương”, ông nói.

Cũng tại cuộc họp trên, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chung tay để đưa tăng trưởng tiền lương lên mức lớn nhằm bù đắp phần chi phí sinh hoạt tăng lên cho các hộ gia đình.

Lãm phát lõi của Nhật Bản đã chạm mức 3,7% vào tháng 11, cao nhất trong 4 thập kỷ, khi các công ty tiếp tục chuyển gánh nặng chi phí đầu vào tăng lên sang người tiêu dùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp hầu như không tăng lương với người lao động dài hạn bởi họ vẫn tỏ ra thận trọng với chi phí cố định tăng lên trong bối cảnh triển vọng kinh tế bất ổn.