Mong muốn có sân bay là chính đáng
So với các nước trong khu vực và trên thế giới thì số sân bay dân dụng của Việt Nam chưa nhiều. Việc các tỉnh mong muốn có sân bay để phát triển kinh tế, xã hội, du lịch địa phương là chính đáng. Địa phương có sân bay, nếu biết khai thác, tận dụng sẽ có cơ hội lớn để bứt phá phát triển du lịch, kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, việc xây dựng sân bay mới cần được tính toán dựa trên nhu cầu thực sự với quy mô phù hợp với hệ thống sân bay toàn quốc, phù hợp với khả năng huy động vốn và bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa địa phương với nhà đầu tư cũng như hành khách.
Theo thông tin được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố gần đây, trong số 21 sân bay do ACV quản lý và khai thác, không kể sân bay Vân Đồn, đến nay có 15 sân bay hoạt động có lãi, 6 sân bay còn lại vẫn lỗ.
Thực tế, việc tính toán tài chính của ACV chỉ cho phần dân dụng nên cho kết quả 15 sân bay có lãi vì ACV không chịu trách nhiệm về chi phí đầu tư sửa chữa khu bay. Nếu tính chung hoạt động tài chính của toàn sân bay thì chỉ 4 sân bay đông khách nhất là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh mới có thể có lãi, 17 sân bay còn lại của ACV và sân bay Vân Đồn đều lỗ.
Do đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng nhu cầu sản lượng khi lập quy hoạch sân bay bởi nếu làm quy hoạch sai sẽ gây lãng phí rất lớn. Hiện nay, phần lớn sân bay nội địa hoạt động dưới năng lực thiết kế, năm 2019 nhiều sân bay chỉ đạt dưới 50% năng suất thiết kế như Vân Đồn (10%), Rạch Giá (11%), Cà Mau (12%), Điện Biên (19%), Chu Lai (19%), Đồng Hới (27%), Cát Bi (33%), Phú Bài (39%), Cần Thơ (45%), Buôn Ma Thuột (50%), Liên Khương (50%).
Chỉ có 4 sân bay quốc tế lớn mới quá tải, đó là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.
Trừ hai sân bay ở đảo là Phú Quốc và Côn Đảo có vùng địa lý và dân cư nhỏ, 12 sân bay lớn có số lượng dân cư mỗi sân bay từ 1,3 đến 2,8 triệu người, hai sân bay Thọ Xuân và Cát Bi có số lượng dân cư tương ứng là 7,4 và 8 triệu dân. 3 sân bay có số lượng dân cư lớn là Nội Bài (22 triệu), Tân Sơn Nhất (19,8 triệu) và Cần Thơ (14,4 triệu).
Trong khi đó, việc xây dựng thêm sân bay không phải để chia bớt và giảm số lượng dân cư của 5 sân bay Thọ Xuân, Cát Bi, Cần Thơ, Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của dân cư vùng xa sân bay hiện có lân cận.
Khi khoảng cách với sân bay hiện có lân cận càng xa và thời gian đi lại bằng đường bộ hay đường thủy càng lớn thì nhu cầu sân bay mới càng cao. Khi dân cư trong vùng địa lý sân bay này càng đông và mức thu nhập càng cao thì sản lượng hàng không tiềm năng càng lớn. Khi vùng địa lý sân bay này có những địa điểm hấp dẫn khách du lịch thì sản lượng hàng không tiềm năng càng lớn hơn nữa.
Thừa sân bay lớn, thiếu sân bay nhỏ
Theo quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc, thời kỳ 2021 - 2030 dự kiến Việt Nam sẽ có 28 cảng hàng không (CHK), gồm 14 CHK quốc tế, 14 CHK quốc nội, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm 31 CHK (14 CHK quốc tế, 17 CHK quốc nội).
Kết quả dự báo nhu cầu sản lượng năm 2030 cho các sân bay Sa Pa, Phan Thiết và Cà Mau lần lượt là 3,7 triệu hành khách (HK), 2,8 triệu HK và 2,2 triệu HK là quá cao, khó tin cậy.
Khi tính sản lượng HK trên 100 dân tương ứng vùng địa lý của từng sân bay thì càng cho thấy rõ thêm dự báo đó là quá lớn. Nếu ước tính sản lượng HK trên 100 dân tăng 5 lần từ năm 2019 đến 2030 cho các sân bay Rạch Giá, Cà Mau và Điện Biên thì con số tương ứng lần lượt là 10, 16 và 48. Như vậy đối với các sân bay loại rất nhỏ, như các sân bay mới xây dựng, mới phục hồi, hay mới đưa vào quy hoạch thì sản lượng dự báo lạc quan là dưới 400.000 HK/năm, ngoại trừ Phan Thiết 659.000 HK/năm.
Nhiều sân bay có sản lượng ước tính chỉ trên 100.000 HK/năm đến dưới 200.000 HK/năm như Đắk Nông, Quảng Trị, Lai Châu, Cao Bằng, Bình Phước, Rạch Giá… là loại sân bay có sản lượng rất nhỏ nên chỉ cần đường cất hạ cánh ngắn 1.200m và là sân bay loại 2B theo ICAO. Sân bay Nà Sản, Điện Biên và Sa Pa là loại sân bay có sản lượng nhỏ dưới 400.000 HK/năm nên chỉ cần đường cất hạ cánh 1.600m và là sân bay loại 3B theo ICAO.
Tất cả những phân tích trên chỉ ra rằng Việt Nam đang rơi vào tình trạng thừa sân bay lớn nhưng lại thiếu quá nhiều sân bay nhỏ.