Tam Đảo liệu có đi vào vết xe của Sapa và những điểm du lịch khác khi bê tông hóa khu du lịch mà quên đi giá trị cần gìn giữ cho con cháu? |
Rừng bê tông “bức tử” Tam Đảo?
Tháng 6/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt "Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" nhằm tổng hợp, đánh giá tổng thể tài nguyên du lịch, nguồn lực, công tác quản lý, đề ra nhiều giải pháp, dự án phát triển du lịch. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, Tam Đảo lại đang diễn ra những cuộc "chạy đua" bê tông hóa. Nhan nhản những công trình bê tông cao tầng mọc lên dày đặc, san sát. Trong số đó phải kể đến những dự án do Công ty CP Lạc Hồng là chủ đầu tư.
Tổ hợp khách sạn Venus do Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư được doanh nghiệp này xây dựng trên đất công sản không qua đấu giá. |
Từ một thị trấn nổi tiếng về du lịch, trải nghiệm thiên nhiên, Tam Đảo đang ít dần cây xanh và biến thành đại công trường ngổn ngang. Không ít khách sạn quy mô lớn/ nhỏ vẫn đang được triển khai và hoàn thiện tại khu du lịch này.
Việc bê tông hóa quá mức khu du lịch Tam Đảo đang khiến cho không gian, cảnh quan nơi đây mất dần đi các giá trị thiên nhiên vốn có. Giờ đây, công viên trung tâm thị trấn gần như lọt thỏm trong những khối bê tông được ken dày đặc…
Những khối nhà cao tầng vẫn ngày đêm vươn cao khiến công viên trung tâm ngày càng trở nên chật hẹp. |
Tam Đảo vẫn thường được chọn là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần của nhiều gia đình bởi khung cảnh tuyệt vời, vừa thơ mộng, u tịch, vừa hùng vĩ, huyền ảo trong cảnh mây gió, sương khói vờn trên đỉnh núi, cùng với những ngôi nhà mang đặc trưng bản địa ẩn nấp ven sườn núi… Nhưng nay, tốc độ bê tông hóa quá nhanh, cùng với việc đặt nặng vấn đề kinh tế, khiến Tam Đảo hôm nay đã không còn thơ mộng như vốn có. Những ngôi nhà mang đặc trưng bản địa ẩn nấp giữa núi rừng trùng điệp đã dần thay thế bằng những khối bê tông sừng sững đang dần phá nát sự cuốn hút bởi vẻ hoang sơ của Tam Đảo.
Đặc sản của Tam Đảo hôm nay là… bê tông?
Nếu Tam Đảo trước đây hấp dẫn du khách bởi vẻ hoang sơ, cổ kính và khí hậu mát mẻ thì nay đã khác. Những con đường lên xuống ngoằn ngoèo, quanh co nho nhỏ; một dòng suối như vệt nước cắt ngang chảy suốt bốn mùa nay không còn thơ mộng nữa. Ngày mới, khi sương tan, Tam Đảo hiện ra trước mắt là “rừng” bê tông bên những sườn núi bị khoét sâu. Hàng chục khách sạn, công trình cao tầng vẫn mọc lên như nấm. Những khối bê tông dày đặc đang dần làm xấu đi giá trị thiên nhiên vốn có của khu du lịch nhỏ bé, xinh xắn Tam Đảo.
Hiện tượng khoét núi, chặt cây để xây dựng vẫn còn tồn tại ở Tam Đảo. |
Nhiều du khách đến với Tam Đảo hôm nay đều cảm nhận thấy khói bụi, tiếng ồn, tắc đường và cho rằng, đặc sản nổi tiếng của Tam Đảo ngày xưa là su su thì nay đã được thay thế bằng “rừng” bê tông sừng sững. Điển hình là Tổ hợp khách sạn Venus và khu dịch vụ ẩm thực, hay Lâu đài đá do Công ty CP Lạc Hồng làm chủ đầu tư.
Những khối bê tông được ken dày đặc, khiến Tam Đảo từ thị trấn mờ sương ngày một trở nên ngột ngạt. |
Tỉnh Vĩnh Phúc không biết hay không nhìn thấy sự thay đổi này? Đáng chú ý, có hiện tượng giúp sức để “hô biến” đất công sản về tay tư nhân để xây dựng chuỗi khách sạn, công trình nghỉ dưỡng, khu ẩm thực… nhưng chính quyền địa phương vẫn im lặng đến khó hiểu?
Những trận mưa vừa qua biến những tuyến đường giao thông lên Tam Đảo thành những dòng sông lớn “hung dữ” và nguy hiểm. Nước cuồn cuộn dội thẳng xuống phía hạ du, khiến người dân thành phố Vĩnh Yên và các vùng lân cận được "bơi" trong nước ngập giữa tháng 5!
Vậy, Vĩnh Phúc có đang vì lợi ích trước mắt mà quên đi giá trị cần gìn giữ, bảo vệ cho thế hệ sau hay không? Tầm Nhìn Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin ở bài tiếp theo...