Các công ty chứng khoán đang dự báo thị trường chứng khoán (TTCK) về cuối năm sẽ tiếp tục diễn biến tích cực bởi triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp khả quan, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, vĩ mô ổn định cũng như các câu chuyện về thoái vốn Nhà nước hay nâng hạng thị trường.
VN-Index có thể lên 1.500 điểm
TTCK Việt Nam nửa đầu năm đã tăng trưởng ấn tượng, VN-Index trở thành chỉ số tăng giá mạnh thứ 2 trên thế giới với mức gần 28%. Thanh khoản tại HoSE cũng tăng đột biến lên mức tỷ USD/phiên trong tháng 6, gấp khoảng 4 lần cùng kỳ nhờ dòng vốn nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ mạnh vào thị trường.
Theo Chứng khoán VNDirect, đà tăng của thị trường đầu năm được thúc đẩy bởi triển vọng tươi sáng của nền kinh tế sau đại dịch, môi trường lãi suất thấp giúp chứng khoán tăng sức hút đối với nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Nhóm phân tích dự báo thị trường nửa cuối năm vẫn tiếp tục được trợ lực bởi đà hồi phục kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp. Chỉ số VN-Index theo đó sẽ dao động trong khoảng 1.400 - 1.500 điểm, tương đương với mức định giá P/E khoảng 17,5 – 18,5 lần.
“Chúng tôi ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tại HoSE sẽ tăng 30% trong năm 2021. Ngoài ra, động lực FOMO (hiệu ứng sợ bỏ lỡ) và dòng tiền mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ hỗ trợ xu hướng tăng của TTCK”, báo cáo của VNDirect viết.
Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng thị trường vẫn có rủi ro như lãi suất tiền gửi cao hơn dự kiến có thể đảo ngược dòng vốn trong nước và sự gia tăng nguồn cung cổ phiếu mới từ đợt tăng vốn cổ phần mạnh mẽ gần đây.
VN-Index được dự báo lên 1.500 điểm vào cuối năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tương tự, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng nhận định thị trường được dẫn dắt bởi đà phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết, bối cảnh mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, lạm phát và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định.
Các chuyên viên KBSV dự báo vùng giá mục tiêu của chỉ số cuối năm nay là 1.480 điểm, tương ứng mức định giá P/E khoảng 18 lần. Dự phóng này dựa trên kịch bản dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát không đáng ngại, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, cùng một số động lực khác như thoái vốn Nhà nước, cải thiện hệ thống giao dịch.
Chứng khoán Mirae Assets tin rằng mức định giá của thị trường hiện tại đã không còn rẻ nhưng vẫn chưa phải là đắt. Đơn vị này dự báo thị trường sẽ sớm điều chỉnh vào đầu tháng 7 khi mức P/E chạm ngưỡng 20 lần (hoặc có thể là 21 lần), nhưng sau đó sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mức 1.500 điểm.
Động lực tăng điểm theo đơn vị này là nhờ dịch bệnh có thể được kiểm soát trong tháng 7, Chính phủ kích thích tăng trưởng kinh tế qua các gói hỗ trợ tài khóa và đầu tư công, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư chuyển sang chứng khoán, câu chuyện thoái vốn nhà nước và triển vọng nâng hạng thị trường.
Ngành nào hưởng lợi cuối năm?
Lợi nhuận quý đầu năm của các công ty trên toàn thị trường (HoSE, HNX, UPCoM) tăng gần 90% so với cùng kỳ do mức nền thấp của quý I/2020. Lợi nhuận ròng của thị trường thậm chí còn cao hơn 57% so với mức trước đại dịch, tức quý I/2019.
Với những diễn biến mới, VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 từ 23% trước đó lên mức 30%. Riêng lợi nhuận các doanh nghiệp tại sàn HoSE được dự báo tăng gần 66% trong năm nay.
Cho giai đoạn cuối năm, nhóm chuyên gia trên khuyến nghị nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm đến những doanh nghiệp chất lượng với các đặc điểm như tăng trưởng lợi nhuận bền vững và có thể mở rộng kinh doanh, có vị thế tốt để nắm bắt được các cơ hội từ sự phục hồi của tổng cầu, cũng như đòn bẩy tài chính thấp và có khả năng chống chịu tốt với lãi suất.
Nhóm chuyên gia trên dự báo các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn như dệt may, thủy sản, gỗ, cao su và thép sẽ được hưởng lợi lớn từ phục hồi kinh tế toàn cầu. Logistics và khu công nghiệp cũng sẽ là những ngành được hưởng lợi chính trong chủ đề này.
Ngoài ra, các ngành du lịch, lưu trú và hàng không sẽ nhận được cú hích lớn khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế trong quý IV. Các công ty dầu khí hưởng lợi nhờ giá dầu thô tăng mạnh. Các nhà xuất khẩu thép, cao su và nông sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng lên. Ngành bất động sản cũng bước vào thời điểm thuận lợi khi nguồn cung đang dần hồi phục nhờ nới lỏng pháp lý và lãi suất mua nhà thấp.
Trong khi Mirae Asset giả định dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào giữa tháng 7, qua đó cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm lên gần 34%, từ mức 28% trước đây. Trong đó lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng vượt trội và đóng góp 40% vào mức tăng chung của VN-Index.
Nhóm phân tích của Mirae Asset dự báo các nhóm ngành vượt trội về kết quả kinh doanh và có các yếu tố hỗ trợ về dài hạn sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường như ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu, dịch vụ tài chính, công nghệ.
Các chuyên gia từ KBSV cũng tin rằng ngân hàng và bất động sản là ngành được hưởng lợi lớn từ môi trường lãi suất thấp và kinh tế tăng trưởng cao. Cổ phiếu khu công nghiệp, cảng biển, thủy sản có tiềm năng nhờ thương mại quốc tế dần khôi phục. Cổ phiếu dầu khí và thép hưởng lợi từ xu hướng tăng giá hàng hóa. Ngoài ra, ngành điện và công nghệ thông tin vẫn tăng trưởng ổn định bất chấp đại dịch.
Kỳ vọng câu chuyện thoái vốn Nhà nước
Thị trường chứng khoán cuối năm còn nhiều câu chuyện đầu tư khác như hoạt động thoái vốn Nhà nước có thể được khởi động, lộ trình nâng hạng thị trường cũng như việc cải thiện thanh khoản thông qua áp dụng hệ thống kỹ thuật mới.
Nhóm phân tích KBSV cho rằng hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa sẽ có nhiều khởi sắc kể từ cuối năm 2021, sau thời gian dài gần như đóng băng vì đại dịch Covid-19. Làn sóng thoái vốn và cổ phần hoá thường có tác động tích cực đến diễn biến giá cổ phiếu.
Diễn biến này là nhờ TTCK đang sôi động trở lại với thanh khoản cao và dòng tiền dồi dào, các nút thắt về cơ sở pháp lý đã được giải quyết sau Thông tư 36/2021/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ 10/7. Nhu cầu đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách Nhà nước năm 2021 đang cấp thiết khi số tiền thu nộp về quỹ chỉ đạt 228 tỷ đồng trong 5 tháng, trong khi chỉ tiêu được giao cả năm là 40.000 tỷ đồng.
Giá trị thoái vốn Nhà nước 5 tháng đầu năm thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ các năm trước. Nguồn dữ liệu: KBSV.
Giá trị thoái vốn Nhà nước 5 tháng đầu năm thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ các năm trước. Nguồn dữ liệu: KBSV. |
Thống kê của VNDirect cho thấy chỉ 3 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa từ đầu năm, trong khi cùng kỳ có 12 đơn vị. Nhóm chuyên gia nhận định các cơ quan Nhà nước sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa thời gian tới tại Agribank, Mobifone. Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến thoái vốn tại Sabeco, FPT và Bảo hiểm Bảo Minh trong nửa cuối năm.
Với câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam vẫn tiếp tục lỡ hẹn trong kỳ đánh giá tháng 6 vừa qua của MSCI. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng cơ hội vẫn còn đó, trong kịch bản lạc quan khi Việt Nam hoàn thành hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong nửa đầu 2022, Việt Nam vẫn có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá năm sau.
Thị trường Việt Nam còn trông chờ câu chuyện giải quyết tắc nghẽn giao dịch tại HoSE. Hệ thống tạm thời do HoSE phối hợp với FPT dự kiến vận hành vào ngày 5/7 được kỳ vọng sẽ khơi thông thanh khoản cho thị trường, giúp tâm lý các nhà đầu tư trở nên tích cực hơn.