VN-Index 'rơi tự do' gần 70 điểm, thời kỳ 'ăn sẵn' đã qua

Tiếp theo đà giảm của phiên sáng, mở cửa phiên chiều 25/4, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục rớt điểm. Chưa đầy 1 giờ, chỉ số hai sàn đều 'rơi tự do'. Đáng chú ý, VN-Index đã 'bốc hơi' hơn 74 điểm trong vòng 40 phút.

Phiên giao dịch giảm mạnh nhất lịch sử

Tính đến 14 giờ, VN-Index đã mất hơn 80 điểm, cao nhất trong lịch sử giao dịch của TTCK Việt Nam, chính thức xuyên thủng mốc 1.300 điểm. Toàn sàn có hơn 800 mã giảm giá, trong đó có hơn 200 mã nằm sàn; gần 700 mã đứng giá.

Nhịp giảm liên tục gia tăng khi vừa mở cửa giao dịch. Ảnh chụp màn hình chiều 25/4

Đến 14 giờ 30 phút, đà giảm đã được co lại, mốc 1.300 điểm vẫn được giữ vững. Tuy nhiên, nhịp giảm vẫn không có hồi kết khi áp lực bán vẫn gia tăng.

Chị Hải Hà, một nhà đầu tư “chinh chiến” TTCK đã 3 năm cho biết, cuối tuần qua, chị đã phải gọi cho gia đình cầu cứu 500 triệu đồng để giải chấp margin, nếu không sẽ phải bán lỗ các cổ phiếu. Theo chị Hải Hà, hiện chị đang bỏ vào TTCK vài tỷ đồng, nhưng trong gần 2 tuần nay thì chị đã lỗ hơn 50% giá trị đầu tư. Nếu bán lỗ nữa thì chị dường như mất trắng.

Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, việc chứng khoán giảm điểm là xu thế tất yếu, khi thời gian qua TTCK Việt Nam đã có nhiều phiên thăng hoa. Mặt khác, trong thời điểm dịch COVID-19, nhiều nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mới tham gia thị trường đã làm bệ đỡ cho thị trường đi lên trong thời gian dài.

“Tuy nhiên, sau khi Chính phủ thực hiện chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới, gần đây nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, các ngân hàng thương mại cũng đã tăng lãi suất huy động để tạo thanh khoản, hỗ trợ cho vay, dòng tiền đầu tư đã có sự chuyển hướng sang kênh tiết kiệm. Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư rút ra khỏi thị trường chứng khoán chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mới. Có lẽ, kênh tiết kiệm được xem là kênh đầu tư an toàn hơn kênh đầu tư chứng khoán đầy mạo hiểm”, chuyên gia kinh tế - tài chính Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investmentx nhận định.

Chỉ trong 1 giờ đồng hồ, toàn thị trường đã có hơn 800 mã giảm điểm với hơn 200 mã giảm sàn.

Ngoài ra, theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, thị trường giảm điểm mạnh còn do tác động của thị trường chứng khoán thế giới. Cụ thể, thứ 6 vừa qua, chứng khoán Mỹ đã “bốc hơi” khoảng 1.000 điểm, điều này đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Đáng chú ý, trong khi các nhà đầu tư cá nhân “tháo chạy” khỏi thị trường thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mạnh tay rót vốn mua vào. Dù vậy, điều này vẫn không thể làm lực đỡ cho thị trường trong khi quy mô nhà đầu tư cá nhân lẫn tỷ lệ vốn đầu tư lại quá lớn. Đây là lí do khiến thị trường rớt mạnh như hiện nay.

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại CTCP Tư vấn đầu tư S-Talk cũng cho rằng, chứng khoán 2022 không còn là nơi đồng tiền dễ dãi có thể "kiếm ăn được". Có thể thấy, thị trường đã liên tục giảm rất mạnh, chỉ trong 10 phiên, VN-Index bốc hơi 150 điểm và riêng ngày hôm nay (25/4) mất hơn 100 điểm. Không chỉ những nhóm có liên quan trực diện đến các thông tin xấu như nhóm đầu cơ, bất động sản mà ngay cả các cổ phiếu sản xuất có kết quả kinh doanh rất tốt cũng bị bán sàn không thương tiếc. Điều này cũng là xu hướng tất yếu, bởi một khi độ chênh giữa thị trường và giá mặt bằng chung quá lớn, việc bán tháo giá sàn là có thể xảy đến.

Áp lực margin

Chỉ số VN-Index đã có lúc giảm gần 80 điểm trong phiên chiều 25/4. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia chứng khoán Trần Hà Xuân Vũ, CTCK Rồng Việt, áp lực giảm điểm hôm nay có thể do hiệu ứng tâm lí domino khiến đà giảm ngày càng nới rộng. Mặt khác, áp lực margin cũng là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư chán nản rút khỏi thị trường. Bởi sau nhiều phiên liên tục giảm điểm trong hơn tuần qua, biên độ an toàn margin đã gần như chạm đến giới hạn. Theo đó, các CTCK, đặc biệt là những CTCK nhỏ cho vay margin cao vượt quá 50% quy định, đã yêu cầu các nhà đầu tư nhanh chóng xử lý nợ khiến nhiều nhà đầu tư “chết lâm sàng”.

Ước tính quý I/2022, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ trên TTCK ở mức cao, ước đạt 230.000 tỷ đồng. Đại diện Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, đây chính là nguyên nhân dẫn đến thị trường giảm mạnh trong phiên chiều 25/4 khi thời gian qua, các phiên giảm điểm mạnh liên tiếp đã dẫn tới hiện tượng call margin (chủ yếu là bán ra cổ phiếu để có tiền bổ sung vào tài khoản nhằm đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định) và tạo thêm áp lực bán lên thị trường vốn đã trong trạng thái tâm lý yếu, khiến thị trường bị bán mạnh, đặc biệt về cuối phiên giao dịch.

Đồng quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, chuỗi giảm liên tiếp của thị trường với cả trăm cổ phiếu ở mức giá sàn có thể là hiện tượng giải chấp cổ phiếu (công ty chứng khoán bán cổ phiếu của nhà đầu tư trong trường hợp không kịp bổ sung tiền ký quỹ).

Nhìn ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI cho biết, P/E của thị trường đang ở tầm 13,5 lần, mức khá thấp. Trong đó, nhiều ngành nghề sẽ hưởng lợi trước tình hình hiện tại của thế giới và thị trường đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư so với lúc thị trường tăng nóng.

Chốt phiên giao dịch chiều ngày 24/4, VN-Index bốc hơi hơn 68 điểm dừng ở mức 1.310,92 điểm; HNX-Index cũng giảm sâu mất hơn 21 điểm, xuống còn 337,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 930 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch khoảng 25.444 tỷ đồng. Toàn sàn có gần 800 mã giảm giá với 240 mã nằm sàn; 640 mã đứng giá và gần 200 mã tăng. Tốp 10 cổ phiếu khiến thị trường bối hơi hơn 32,4 điểm phải kể đến VHM, VIC, GAS, HPG, BID, VCB, VPB, TCB, CTG, GVR.

Ông Quách Mạnh Hào, giảng viên Trường Đại học Lincoln (Anh) phân tích, lạm phát và lãi suất cao không bao giờ là bạn của cổ phiếu “nóng”, “tăng trưởng” (PE, PB rất cao...) nhưng là bạn của cổ phiếu gắn với doanh nghiệp tốt, giá trị - ít nhất theo nghĩa ít mất giá hơn. Trong môi trường lãi suất cao, định giá trở thành quan trọng, không phải vì nó giúp xác định chính xác giá trị thật - điều phần lớn do tưởng tượng mà ra, mà vì nó đóng vai trò như định giá tài sản đảm bảo. Tất nhiên, các “trò chơi của dòng tiền” cũng ít đi khi dòng tiền trên thị trường không còn quá dồi dào.

“Giờ là lúc chuyển dịch. Trừ những người “ăn ngủ với chứng khoán”, ai làm việc gì nên trở lại toàn tâm cho việc đó. Những ai thực sự coi chứng khoán là kênh đầu tư tìm kiếm thu nhập tích lũy thêm, hãy chọn cổ phiếu an toàn là bạn. “Tích lũy” hay “mua và giữ” không có nghĩa là giữ đến cuối tháng mà có thể phải tính bằng năm mới thấy thành quả. Thời kỳ đánh quả, kiếm tiền vội có thể đã qua rồi”, ông Hào nói thêm.

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp khuyến nghị nhà đầu tư nên bình tĩnh xem xét. Chứng khoán năm 2022 dù không còn là nơi đồng tiền dễ dãi có thể "kiếm ăn" được những vẫn có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cố gắng loại bỏ được các thói quen "thích ăn sẵn", chịu khó mất nhiều công sức và thời gian hơn trong đầu tư.