Những lo ngại về dịch bệnh, biến chủng mới của virus corona đã kéo chứng khoán châu Á đi xuống. VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần cũng giảm hơn 7 điểm, tuột đỉnh 1.500 điểm vừa thiết lập hôm qua. Lực kéo của VIC không đủ đỡ chỉ số, trước sức ép của nhiều mã vốn hóa lớn VCB, CTG, GAS, GVR, TCB, SAB…
VIC gây bất ngờ ngay từ đầu phiên, có lúc lên sát 100.000 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên hôm nay, VIC tăng 4,79% đạt 98.500 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản VIC tăng vọt hơn 360%, khối lượng hơn 9,2 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 905 tỷ đồng. Trái ngược với “anh cả” VIC, VHM, VRE chìm trong sắc đỏ. VHM giảm 0,7%, còn VRE giảm 1,5%.
Trong phiên chiều, thị trường dao động, giằng co mạnh, nhiều nhóm cổ phiếu nới rộng đà giảm, tác động tiêu cực đến chỉ số. Trong nhóm VN30, 22 mã giảm giá áp đảo 7 mã tăng. Nhóm ngân hàng cũng chìm trong sắc đỏ, nhiều mã tiếp tục bị chốt lời sau khi VN-Index chạm 1.500 đỉnh. VCB, CTG, TCB, HDB, MBB lọt nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số. Tuy vậy, thanh khoản của nhóm này vẫn giữ ở mức cao, ngôi đầu thuộc về VPB (1.741 tỷ đồng), TCB (1.197 tỷ đồng).
Ở nhóm chứng khoán, SSI tiếp tục giữ thanh khoản cao thứ 2 thị trường, hơn 1.674 tỷ đồng. Mã đầu ngành khác là VND cũng giao dịch trên 1.000 tỷ đồng. Đây vẫn nhóm hút dòng tiền trong thời gian qua, được kỳ vọng hưởng lợi khi thanh khoản thị trường chung liên tiếp lập kỷ lục và giữ ở mức cao. Phiên cao nhất 19/11 vừa qua xấp xỉ 2,5 tỷ USD.
Bất chấp thị trường điều chỉnh, nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp đà tăng trần: CEO, PVL, DRH, LDG, KHP, IDI... DIG , ITA, NVL, DXG không nằm ngoại lệ. Dù vậy, đà tăng của nhóm này không đều, các mã đáng chú thời gian qua như KBC, NLG, TDH, TCH, IJC chìm trong sắc đỏ.
Lo ngại biến chủng virus mới, chứng khoán Châu Á đỏ lửa
Theo Reuters, chứng khoán châu Á đã giảm mạnh nhất trong 2 tháng, sau khi phát hiện ra một biến thể mới của virus corona. Cụ thể, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/11 thông báo đang theo dõi một biến chủng virus corona mới “với lượng lớn đột biến”. WHO vừa tổ chức phiên họp khẩn, theo dõi sát sao biến chủng mới B.1.1.529, dù mới được ghi nhận ở một số ca nhiễm tại Nam Phi.
Các chỉ số chứng khoán trong khu vực đồng loạt giảm. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 1,3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9.
Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 2,5%, Topix giảm 1,86%.
Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0,56%, Hang Seng của Hong Kong giảm 2,69%.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,47%.
ASX 200 của Australia giảm 1,73%.