Vợ chồng Trung Nguyên có được hoàn tiền án phí nếu hủy bản án ly hôn?

Theo luật sư, nếu bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều bị hủy, đương sự sẽ được trả lại tiền án phí, lệ phí. Trường hợp chỉ hủy bản án phúc thẩm, số tiền này sẽ được tòa án xem xét.

VKSND Tối cao đã ban hành kiến nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

VKS cũng đề nghị hủy bản án phúc thẩm ngày 5/12/2019 và bản án sơ thẩm ngày 27/3/2019 về phần chia tài sản chung để xét xử sơ thẩm lại theo trình tự tố tụng.

Theo kiến nghị của VKS, các bản án trên có nhiều sai sót về thẩm định giá tài sản chung của vợ chồng ông Vũ, các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá liên quan vụ việc. Ngoài ra, chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá chỉ dựa trên báo cáo tài chính, danh mục tài sản phía ông Vũ đưa ra, không được bên bà Thảo xác nhận nên cần định giá lại.

Trường hợp này, quy đình xét hủy bản án diễn ra như thế nào? Nếu hủy, vợ chồng ông Vũ có được hoàn tiền án phí không?

Vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Đồ họa: Như Ý.

Luật sư Lưu Kiều Trang (Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) cho biết theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, VKS có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ việc dân sự được kịp thời, đúng pháp luật.

Đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực của TAND Cấp cao hoặc tòa án khác, Chánh án TAND Tối cao hoặc Viện trưởng VKSND Tối cao là những người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi cần thiết.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, VKS có quyền kháng nghị, đề nghị tòa án xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực xuyên suốt quá trình tố tụng nếu nhận thấy có vấn đề. VKS không có quyền tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực song có quyền kháng nghị, kiến nghị hủy hoặc xem xét lại.

Do đó, việc VKSND Tối cao ra kháng nghị đối với bản án ly hôn do TAND TP.HCM và TAND Cấp cao tại TP.HCM ban hành, đồng thời kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án của TAND Tối cao là đúng quy định.

"Kiến nghị của VKSND Tối cao về việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm là thủ tục đặc biệt, mới được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Về thời hạn xem xét, Điều 359 Bộ luật này nêu trong một tháng từ ngày nhận được kiến nghị, Hội đồng Thẩm phán mở phiên họp để xem xét. Sau đó, trong 5 ngày làm việc từ ngày kết thúc họp, hội đồng gửi văn bản thông báo nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị cho Viện trưởng VKSND và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội", luật sư Trang phân tích.

Trên cơ sở kiến nghị, kháng nghị của VKSND Tối cao, việc hủy các bản án hay quyết định giám đốc thẩm sẽ được xem xét tại phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao với sự tham gia của Viện trưởng VKSND Tối cao. Nếu thấy cần thiết, tòa án có thể mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng dự họp.

Theo luật sư, sau khi VKSND Tối cao đề nghị, nếu Hội đồng Thẩm phán nhận định tòa án các cấp có những sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ việc, quyền lợi của đương sự vẫn được đảm bảo, không phát hiện ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình giám đốc thẩm, không có chứng cứ mới thì hội đồng sẽ giữ nguyên quyết định giám đốc thẩm.

Bên cạnh đó, vụ việc có thể kết thúc khi Hội đồng Thẩm phán không chấp nhận hủy quyết định giám đốc thẩm, hoặc sẽ kéo dài thêm trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm và 2 bản án bị hủy bỏ để xét xử lại từ đầu.

Luật sư Lưu Kiều Trang. Ảnh: NVCC.

Về án phí và lệ phí dân sự, số tiền này gồm các khoản thu cụ thể sau: Tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, phúc thẩm; Án phí sơ thẩm, phúc thẩm và Tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự bao gồm tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm, lệ phí phúc thẩm.

Trong trường hợp này, nếu các đề nghị xem xét và hủy bản án của VKSND Tối cao được chấp thuận, căn cứ Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, án phí, lệ phí sơ thẩm và phúc thẩm sẽ được giải quyết như sau:

Trường hợp hủy bản án dân sự sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, sau khi tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án, nếu tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do đương sự rút đơn khởi kiện, rút yêu cầu thì tiền tạm ứng án phí, án phí được trả lại cho người đã nộp.

Trường hợp hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm do xác định sai tư cách tố tụng của đương sự thì tòa án cấp sơ thẩm khi thụ lý phải ra quyết định trả lại tiền tạm ứng án phí, án phí cho đương sự đã nộp nhưng đã được xác định lại không thuộc đối tượng phải nộp; đồng thời xác định lại đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

Trường hợp hủy bản án, quyết định phúc thẩm nhưng giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm đúng pháp luật của tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa thì phải xem xét, quyết định về án phí, lệ phí.

Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm có hiệu lực pháp luật bị hủy mà tiền tạm ứng án phí, án phí đã được trả lại cho người khởi kiện, người kháng cáo thì khi tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm thụ lý lại vụ án phải yêu cầu người khởi kiện, người kháng cáo nộp lại tiền tạm ứng án phí.

Như vậy, nếu bản án sơ thẩm và phúc thẩm bị hủy, tòa án phải trả lại tiền án phí, lệ phí cho người đã nộp. Trường hợp hủy bản án phúc thẩm và giữ bản án sơ thẩm, số tiền án phí, lệ phí sẽ được tòa án xem xét, quyết định.

Trường hợp tiền đã được trả lại cho người khởi kiện, người kháng cáo thì khi TAND TP.HCM thụ lý lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, họ sẽ yêu cầu người khởi kiện, người kháng cáo nộp lại tiền tạm ứng án phí.