Trong tuần qua, dòng thông tin về phiên tòa xét xử vụ án Công ty Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) bán dự án “ma”, đất “vịt giời” đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Theo đó, qua những ngày xét hỏi bị hại tại tòa và nội dung tại cáo trạng cho thấy những dự án mà Công ty Alibaba giới thiệu cho khách hàng ký hợp đồng mua bán đều không có thật.
Một số bạn đọc cho rằng hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo đã rõ. Tuy nhiên, khi quyết định bỏ tiền ra mua đất dự án thì người mua cũng phải tìm hiểu kỹ về giá trị pháp lý của tài sản mà mình muốn mua. Đồng thời, chính quyền địa phương nơi có dự án nếu quyết liệt ngăn chặn, cảnh báo cho người mua biết thì bị hại trong vụ án cũng sẽ giảm hơn.
Mua đất cần tìm hiểu tính pháp lý
Theo thông tin, các dự án được Công ty Alibaba lập trái phép trên diện tích đất nông nghiệp lớn, không phải là đất thổ cư như trong hợp đồng chuyển nhượng cho khách hàng. Tổng cộng, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã “vẽ” hàng chục dự án không có thật, lừa bán cho hàng ngàn người, chiếm đoạt số tiền hơn 2.400 tỉ đồng.
Các bài báo thông tin vụ án của Công ty Địa ốc Alibaba.
Lý giải vì sao bị hại trong vụ án này lại đông, số tiền chiếm đoạt không hề nhỏ, một số bạn đọc cho rằng vì yếu tố lợi nhuận mà chấp nhận mua, không tìm hiểu kỹ pháp lý.
Bạn đọc Phan Thanh bình luận: “Tôi thấy trong phiên tòa có bị hại chỉ muốn nhận lại đất. Đến thời điểm này mà họ vẫn chưa thể tin được đất họ mua là đất không có thật. Làm gì có dự án đất nền nào mà nếu có thì cũng chỉ là đất nông nghiệp, làm sao được phân lô mà giao. Mua cái chưa có, bây giờ lại đòi tòa phán xử theo ý mình thì khó rồi”.
“Không biết những khách hàng của Công ty Alibaba trước khi bỏ số tiền lớn ra mua đất dự án có tìm hiểu tính pháp lý của dự án chưa. Họ không biết quy định hay vì nghe lợi nhuận cao mà chấp nhận làm liều. Nếu là một nhà đầu tư thật sự, họ phải hiểu đất nông nghiệp, chưa lên thổ cư, chưa tách sổ thì làm sao có đủ pháp lý mà bán đất nền dự án. Đây là bài học xương máu của rất nhiều người” - bạn đọc Trương Kiệt nêu ý kiến.
Bạn đọc Nguyễn Hạnh nêu: “Một trong những nạn nhân của vụ Alibaba, ngoài nhiều nhà đầu tư đất để kiếm lời cũng có những người có nhu cầu mua đất nền để ở thật. Họ đã gom góp để mua với mong muốn được an cư nhưng lại dính vụ lừa này thật quá đau lòng. Mong các cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm vụ này để làm gương và để lấy lại sự công bằng cho người dân”.
Nên cảnh báo, xử lý sớm
Bạn đọc Hải Âu nêúy kiến:“Để giảm thiệt hại cho bị hại, các cơ quan chức năng cần xác định rõ ràng những lô đất của Công ty Alibaba rao bán, khu đất nào có thể chuyển mục đích sử dụng đất, lập dự án. Từ đó, xử lý những tài sản của công ty để bị cáo khắc phục một phần thiệt hại mà nhiều người đang gánh chịu”.
“Trong quá trình Công ty Alibaba bán đất, họ có tiến hành san lấp mặt bằng, làm hạ tầng, rải nhựa đường, làm văn phòng giao dịch để thu hút người tới xem đất rồi mua. Những khu đất đó chưa cho phép làm mà họ vẫn tiến hành làm được, điều này cho thấy chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình. Nếu như những hành vi san lấp trái phép được ngăn chặn, cảnh báo sớm thì bị hại trong vụ này không nhiều như bây giờ” - bạn đọc Ngọc Khanh nêu.
Bạn đọc Tuân Nguyên nêu ý kiến: “Công ty Alibaba hoạt động đã nhiều năm, bán hàng chục dự án “ma”. Trụ sở văn phòng giao dịch là cả một tòa nhà to, hoạt động rầm rộ như vậy mà không bị phát hiện mới lạ”.
Điều kiện phân lô, bán nền đất dự án
Theo Điều 188 Luật Đất đai, người có đất chỉ được chuyển nhượng khi quyền sử dụng đất đó đã có giấy chứng nhận, đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất.
Đối với nhà ở, việc mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở phải đáp ứng các điều kiện như có giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật; không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn…
Đối với đất tại các dự án phân lô, bán nền phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 194 Luật Đất đai. Ngoài ra, Nghị định 43/2014 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 148/2020) cũng có hướng dẫn chi tiết về điều kiện đối với các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền.
Cụ thể, chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải…
Dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền quy định.
Để tránh rủi ro, người mua cần tìm hiểu những điều kiện pháp lý cơ bản trước khi tiến hành giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất.
Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM