Vụ mua sắm thiết bị giá cao bất thường: Công ty Điện lực Bình Dương lý giải ra sao?

Sau phản ánh của Báo điện tử Đại biểu Nhân dân về việc Công ty Điện lực Bình Dương mua sắm nhiều thiết bị với giá cao hơn so với thị trường, ngày 15.3, đơn vị này đã có văn bản phản hồi về vấn đề báo thông tin.
cong-ty-dien-luc-binh-duong-da-co-ly-giai-vi-sao-mua-sam-nhieu-thiet-bi-voi-gia-cao-hon-thi-truong-chao-ban-1678951444.jpg

Công ty Điện lực Bình Dương đã có lý giải vì sao mua sắm nhiều thiết bị với giá cao hơn thị trường chào bán

Theo văn bản phản hồi do ông Lê Hồng Khanh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương gửi đến Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân, dự án “Mua sắm thiết bị công nghệ thông tin năm 2022”, đây là bộ thiết bị bao gồm nhiều thiết bị lẻ, phụ kiện kèm theo cho một gói/bộ, với yêu cầu tính bảo mật, bản quyền, chế độ bảo hành dài hạn, thực hiện các dịch vụ, lắp đặt, cấu hình thiết bị bắt buộc tích hợp, đồng bộ được với hệ thống công nghệ thông tin hiện hữu thực tế tại nhiều điểm lắp đặt, sử dụng khác nhau của đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Đồng thời, thiết bị sau khi lắp đặt, cấu hình phần mềm theo yêu cầu, đơn vị cung cấp thiết bị phải tổ chức đào tạo vận hành cho tất cả cán bộ công nhân viên quản lý, vận hành, thực hiện các chính sách hậu mãi,....

Đối với gói mua sắm trang bị hệ thống camera giám sát thuộc dự án “Hệ thống camera giám sát và thiết bị phòng cháy chữa cháy trạm 110kV kết nối trung tâm điều khiển”, ngoài các điều kiện, tiêu chí được nêu trên, còn có thêm các yêu cầu nghiêm ngặt khác như: Gói thiết bị được lắp đặt tại nhiều trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhằm mục đích giám sát an ninh, giám sát hoạt động của thiết bị trong đảm bảo an ninh, năng lượng và cung cấp điện trên toàn tỉnh. Các thiết bị lắp đặt phải kết nối với Trung tâm điều khiển Công ty Điện lực Bình Dương.

Vì vậy, thiết bị phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về độ tin cậy, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho cả hệ thống; hàng hóa phải chính hãng, đảm bảo chứng nhận xuất xứ (CO), chứng nhận xuất xưởng (CQ) từ hãng sản xuất.

Tương tự, đối với gói “Mua sắm máy đo chất lượng điện năng” thuộc dự án "Mua sắm máy đo chất lượng điện năng phục vụ công tác sản xuất kinh doanh năm 2021”. Bên cạnh các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết bị được cung cấp còn phải đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm theo đặc tính kỹ thuật, có chứng nhận đạt yêu cầu sử dụng của Trung tâm kiểm định tại Việt Nam....

Vì vậy, việc Công ty Điện lực Bình Dương không lựa chọn các thiết bị do các doanh nghiệp khác chào bán là vì sản phẩm của những doanh nghiệp này không thể hiện đầy đủ các yêu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Cũng theo Công ty Điện lực Bình Dương, năm 2021 và đầu năm 2022 là thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến rất phức tạp, đã ảnh hưởng đến rất nhiều đến hoạt động sản xuất, cũng như chuỗi cung ứng nhập khẩu hàng hóa, thiết bị gián đoạn, khan hiếm, đẩy giá cả hàng hóa biến động, tăng cao đặc biệt là linh kiện, trang thiết bị điện tử.

Trước đó, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân nhận được phản ánh về việc nhiều gói thầu mua sắm thiết bị của Công ty Điện lực Bình Dương trong năm 2021, 2022 được phê duyệt với mức giá cao hơn so với giá thị trường.

may-do-chat-luong-dien-nang-fluke-435-ii-tren-thi-truong-chao-ban-gan-218-trieu-dong-1678951470.png

Máy đo chất lượng điện năng Fluke 435-II trên thị trường chào bán gần 218 triệu đồng/bộ

tuy-nhien-cong-ty-dien-luc-binh-duong-mua-sam-voi-gia-trung-thau-la-326-trieu-dong-1678951488.png

Tuy nhiên, Công ty Điện lực Bình Dương mua sắm với giá trúng thầu là 326 triệu đồng/bộ

Cụ thể, tại gói thầu “Mua sắm máy đo chất lượng điện năng” thuộc Dự án “Mua sắm máy đo chất lượng điện năng phục vụ công tác sản xuất kinh doanh năm 2021”, theo Quyết định số 860/QĐ-PCBD do ông Lê Minh Quốc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương ký ngày 1.7.2021, đơn vị trúng thầu là Công ty CP Kỹ thuật - Thương mại E.E trúng thầu với giá gần 1,8 tỷ đồng, trong đó máy đo chất lượng điện năng Fluke 435-II (số lượng 5 bộ) giá 326 triệu đồng/bộ, trong khi trên thị trường nhiều doanh nghiệp phân phối với mức giá chỉ gần 218 triệu đồng/bộ (thấp hơn khoảng 600 triệu đồng).

Tại gói thầu “Mua sắm thiết bị công nghệ thông tin” thuộc Dự án Mua sắm thiết bị công nghệ thông tin năm 2022, theo Quyết định số 416/QĐ-PCBD ngày 8.4.2022, Công ty CP Power of Passion Technology Solutions trúng thầu với giá hơn 3,85 tỷ đồng. Trong đó thiết bị hội nghị truyền hình Polycom Group 500 - 12x giá thị trường 251,5 triệu đồng, nhưng giá trúng thầu là 451,5 triệu đồng (bao gồm VAT).

camera-ip-hikvision-than-ds-2cd3t26g2-4is-duoc-ban-tren-thi-truong-voi-gia-28-trieu-dong-bi-doi-gia-1678951522.png

Camera IP Hikvision Thân DS-2CD3T26G2-4IS được bán trên thị trường với giá 2,8 triệu đồng/bộ, nhưng giá trúng thầu của Điện lực Bình Dương hơn 7,3 triệu đồng/bộ

Gói thầu “Trang bị hệ thống camera giám sát” thuộc Dự án “Hệ thống camera giám sát và thiết bị phòng cháy chữa cháy trạm 110kV kết nối trung tâm điều khiển, Liên danh Công ty CP Viễn thông và Giải pháp công nghệ Việt Nam và Công ty TNHH Công nghệ 5S Việt Nam trúng thầu với giá 13.921.574.000 đồng.

Trong đó Camera IP Hikvision Thân DS-2CD3T26G2-4IS (số lượng 150 bộ) giá 7.348.000 đồng/bộ. Camera IP Hikvision DS-2DE4225IW-DE (S5) (số lượng 50 bộ) giá 25.762.000 VND/bộ; màn hình 32” giám sát Viewsonic VX3276-mhd-2 (số lượng 32 bộ) giá 14,2 triệu đồng. Trong khi đó, trên thị trường nhiều doanh nghiệp phân phối với mức giá thấp hơn so với giá mà Công ty Điện lực Bình Dương mua thông qua các gói thầu.