Xuất khẩu thêm một lần phá kỷ lục

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát dữ dội đã “chặt đứt” chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Khi đó, nhiều chuyên gia và các cơ quan chuyên môn tỏ rõ sự “sốt ruột” cho mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Tuy nhiên, những lo lắng đó đã được thay bằng cảm xúc vỡ òa khi kết thúc năm 2021, xuất khẩu lại thêm một lần làm nên kỳ tích...
Xuất khấu của Việt Nam tính đến hết ngày 15/12/2021 đạt 317,45 tỷ USD.
Xuất khấu của Việt Nam tính đến hết ngày 15/12/2021 đạt 317,45 tỷ USD.

Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đến hết ngày 15/12/2021 đạt 317,45 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, không những xuất khẩu đã “xô đổ” kỷ lục 282,65 tỷ USD của cả năm 2020, mà còn đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

ẤN TƯỢNG TỪ NHỮNG CON SỐ

Về những con số cụ thể, trong 15 ngày đầu tháng 12/2021, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt 15,78 tỷ USD, giảm 8,3% (tương ứng giảm 1,42 tỷ USD về số tuyệt đối) so với 15 ngày cuối tháng 11/2021.

Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 317,45 tỷ USD, tăng 18,7% (tương ứng tăng 50,12 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 10,5 tỷ USD; sắt thép các loại tăng 6,36 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,71 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,38 tỷ USD...

Từ chiều ngược lại, trong 15 ngày đầu tháng 12/2021, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đạt 15,53 tỷ USD, tương đương so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2021.

Lũy kế từ đầu năm đến hết 15/12/2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 315,78 tỷ USD, tăng 27,3% (tương ứng tăng 67,77 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,25 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 9,2 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,7 tỷ USD; sắt thép các loại tăng 3,3 tỷ USD…

Như vậy, trong 15 ngày đầu tháng 12/2021, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 250 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2021, cán cân thương mại hàng hóa thặng dự 1,67 tỷ USD.

Xuất khẩu thêm một lần phá kỷ lục - Ảnh 1
 

Đánh giá cao kết quả xuất khẩu thời gian qua, một số chuyên gia nhấn mạnh, đây là thành tựu rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam bởi năm vừa qua, cả nước đã chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Đặc biệt, thời điểm dịch bùng phát lần thứ tư đã tấn công thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở cả hai miền Nam - Bắc.

Vượt qua những khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất nhanh chóng. Đặc biệt, các ngành xuất khẩu chủ lực (như: dệt may, da giày, gỗ, hàng nông sản, linh kiện…) dù chịu tác động lớn của dịch bệnh, nhưng các doanh nghiệp vẫn hoàn thành đơn hàng và đạt kế hoạch sớm hơn dự kiến.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, năm 2021 là một năm đầy khó khăn với doanh nghiệp do tác động nặng nề của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng loạt ngành nghề sản xuất bị đình, hoãn, chậm trả, thậm chí dừng, hủy đơn hàng.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã triển khai hiệu quả các chương trình hành động, ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Vì vậy, không ít lĩnh vực, ngành hàng đã tìm hướng đi và “thoát hiểm” từ các chương trình kết nối giao thương qua hình thức trực tuyến, đa dạng thị trường thay vì chỉ xuất khẩu sang những thị trường truyền thống.

Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng từng bước được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Điều này đã góp phần giúp cán cân thương mại đảo chiều, xuất khẩu không những được giữ vững mà còn lập nên kỳ tích mới.

Một yếu tố quan trọng đóng góp tích cực cho thành tích xuất, nhập khẩu năm 2021 đó là động lực đến từ các Hiệp định thương mại (FTA) được các doanh nghiệp Việt Nam vận dụng hiệu quả, chủ động và linh hoạt hơn trong khai thác cơ hội để phát triển thị trường xuất khẩu.

Bộ Công Thương dẫn chứng, tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA là Canada và Mexico liên tục duy trì ở mức hai con số. Thị trường nhỏ như Peru cũng tăng trưởng, có giai đoạn lên đến 300%. Các thị trường EU, thị trường Anh cũng tăng trưởng hai con số. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng.

FTA TIẾP TỤC LÀ “ĐÒN BẨY” CHO XUẤT KHẨU

Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, đánh giá về triển vọng thương mại châu Á trong năm 2022-2023 và khuyến nghị với doanh nghiệp Việt Nam, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, chỉ ra rằng, trong năm thứ hai của đại dịch Covid-19, triển vọng phục hồi thương mại toàn cầu khá tích cực và nhanh hơn so với dự báo trước đó.

Theo đó, năm 2022 sẽ là năm quan trọng, đặc biệt khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Lĩnh vực phục hồi nhanh sẽ là điện tử, hàng hóa liên quan tới phòng chống dịch bệnh, như: điện tử, vật tư, thiết bị y tế, máy móc thiết bị, đồ gỗ, dệt may, giày dép....

Tuy nhiên, do đại dịch chưa chấm dứt, nên thương mại phải chịu ảnh hưởng bởi chi phí vận tải tăng cao, thiếu hụt container rỗng... sẽ kéo dài đến năm 2023. Đại dịch cũng đẩy nhanh tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu khi xu hướng tập trung xây dựng lại mạng lưới sản xuất, đa dạng hóa đối tác cung ứng sẽ tiếp tục tiếp diễn trong năm 2022.

Đối với Việt Nam, việc hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ là đòn bẩy đáng kể cho thương mại hàng hóa với nhiều thị trường lớn.

Một số chuyên gia cũng lạc quan về triển vọng của xuất khẩu Việt Nam trong năm 2022 do thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác. Các chuyên gia kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì tốc độ cao và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế vào năm 2022.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng triển khai các FTA nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra. Đồng thời, ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu và sớm khôi phục các thị trường xuất khẩu sau dịch Covid-19; tập trung theo dõi sát từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác thị trường và thúc đẩy xuất khẩu.