Theo đó, đường dây nóng Sở hữu Trí tuệ Online nhận được phản ánh của bạn đọc (trú tại Yên Lập – Phú Thọ) về việc doanh nghiệp tại địa phương kinh doanh mô hình trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường kéo dài cả chục năm khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù người dân đã nhiều lần gửi đơn chính quyền sở tại nhưng không được giải quyết dứt điểm.
Có mặt tại khu 1 Quang Tiến, xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, phóng viên mục sở thị khu vực trang trại được bạn đọc phản ánh rộng khoảng 10ha, phía trước là cổng sắt, kéo dài sang 2 bên là bức tường rào được xây kiên cố cao khoảng 1.5m và dài hơn 10m. Phần còn lại bao quanh khu đất là những hàng rào làm bằng tre và các cành cây khô hoặc các bụi cây dại.
Đứng bên ngoài nhìn vào thì chỉ thấy thấp thoáng vườn cây ăn quả đủ loại như bưởi, cam... Tuy nhiên, cảm giác về môi trường bị đầu độc nghiêm trọng rõ nét qua mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi (mặc dù đeo khẩu trang - pv) mỗi khi có cơn gió thổi nhẹ khiến những người ở gần hoặc có việc đi qua khu vực này bỗng thấy rùng mình, chóng mặt.
Theo quan sát của phóng viên, nước thải từ trang trại được đưa qua những bồn chứa lộ thiên, hút xuống một bể chìm và đi ra ngoài theo đường rãnh nhỏ được tạo ra giữa vườn cây ăn quả, điểm dừng của dòng nước là 3 chiếc ao có diện tích tương đương được thông với nhau. Tuy nhiên điểm chung là nước từ bể ra đến ao đều có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối đậm đặc. Thậm chí, nước trong khu vực ao đã đặc sệt, làm cho nó trông giống đầm lầy nhiều hơn.
Trao đổi với phóng viên, anh N.M.H (người dân địa phương) cho biết: Trang trại lợn trên là của doanh nghiệp có tên là Công Phi, đã đi vào hoạt động từ năm 2008. Thời gian đầu mọi thứ đều bình thường, đến năm 2010 thì việc mùi hôi thối và nguồn nước ô nhiễm mới ảnh hưởng ngày càng nhiều đến cuộc sống của người dân nơi đây. Và người dân sau khi tìm hiểu được cho biết là do vỡ bình Biogas?
12 năm nay, người dân 3 khu với hàng trăm hộ dân ở đây phải sống chung với sự ô nhiễm nghiêm trọng này. Cuộc sống sinh hoạt ảnh hưởng nặng nề bởi ngột ngạt đến khó thở. Đặc biệt, vì sinh hoạt đa phần bằng nước giếng khoan, nhưng do nước thải ngấm xuống đất gây ô nhiễm quá nặng nên giờ các hộ gia đình phải xử dụng máy lọc nước. Anh H. khổ sở chia sẻ.
Cũng theo phản ánh của người dân nơi đây, mặc dù đã nhiều lần đơn thư tới cấp xã và cấp huyện. Đã có nhiều đoàn thanh kiểm tra về làm việc nhưng tình trạng không hề được cải thiện.
Tại UBND xã Ngọc Lập, phóng viên đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Đinh Xuân Hôn – Chủ tịch UBND xã. Theo lời ông Hôn thì trang trại lợn này trước đây là của doanh nghiệp Công Phi, việc xả thải gây ô nhiễm môi trường là có và doanh nghiệp này đã bị xử phạt hành chính với số tiền là 140 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua do làm ăn thất bát, dẫn đến vỡ nợ nên hiện trang trại này đã bị Thi hành án thu hồi, cho một người khác thuê và tiếp tục hoạt động để lấy kinh phí thực hiện việc thi hành án.
Sau khi trang trại đổi chủ và tiếp tục vận hành thì phía UBND xã cũng đã nhận được đơn thư của người dân địa phương phản ánh về việc xả thải gây ô nhiễm môi trường. Nhưng do vượt quá thẩm quyền nên UBND xã chỉ tiến hành kiểm tra và báo cáo lên cấp huyện, ông Hôn cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Hôn cũng khẳng định là sau khi đi vào hoạt động lại thì người chủ mới đã tiến hành cải tạo bể Biogas, làm giảm việc ô nhiễm một cách đáng kể. Nhưng khi phóng viên cung cấp bằng chứng là hình ảnh vừa ghi nhận thực tế thì ông Hôn lại nói việc này các anh cần làm việc với cấp trên vì xã không có đủ thẩm quyền xử lý. Được yêu cầu cung cấp quyết định xử phạt và các biên bản được lập đối với hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở này, vị chủ tịch xã nói cần có thời gian tìm lại, vì ông cũng mới nhậm chức thời gian gần đây, nhiều biên bản giấy tờ chưa có ngay được cũng như do cơ quan cấp trên nắm giữ?
Việc trang trại lợn nhiều năm gây ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân mãi chưa được giải quyết không thể không nói đến trách nhiệm của chính quyền sở tại và các ban ngành liên quan. UBND tỉnh Phú Thọ và sở Tài nguyên môi trường tỉnh Phú Thọ cần nhanh chóng vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên.