VKSND Tối cao vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp Hợp đồng dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền giữa nguyên đơn là Công ty TNHH IDE Việt Nam (Công ty IDE) với bị đơn là Công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh Đông Nam Bộ (Công ty Đất Xanh ĐNB).
Trụ sở VKSND Tối cao. Ảnh: Trang web của cơ quan
Nội dung vụ án
Ngày 1-12-2016, Công ty IDE và Công ty Đất Xanh ĐNB ký hợp đồng dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền. Theo hợp đồng, Công ty IDE đồng ý giao cho Công ty Đất Xanh ĐNB thực hiện dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền 1.082 sản phẩm căn hộ (hình thành trong tương lai) của 4 block nhà thuộc dự án tại quận Bình Tân, TP.HCM…
Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Đất Xanh ĐNB đặt cọc theo từng đợt, triển khai các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Đến khi giao dịch thành công 427 căn hộ thì hai công ty phát sinh tranh chấp.
Ngày 7-11-2017, Công ty IDE khởi kiện, đề nghị tòa tuyên hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Công ty Đất Xanh ĐNB yêu cầu phản tố, buộc nguyên đơn thanh toán hơn 314 tỷ đồng gồm các khoản bồi thường thiệt hại, trả lại tiền cọc, tiền lãi, phí tiếp thị, phân phối...
Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Tân tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty IDE. Tòa chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Đất Xanh ĐNB, buộc Công ty IDE thanh toán cho Công ty Đất Xanh ĐNB hơn 313 tỷ đồng...
Công ty IDE kháng cáo yêu cầu hủy án sơ thẩm.
Ngày 26-4-2019, viện trưởng VKSND quận Bình Tân kháng nghị phúc thẩm, đề nghị sửa án sơ thẩm do bản án này tính cả yêu cầu bồi thường đối với các sản phẩm giao dịch chưa thành công và những sản phẩm chưa giao dịch, chưa có thiệt hại thực tế xảy ra là không đúng...
Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM sửa án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn. Tòa xác định việc chấm dứt thực hiện hợp đồng do lỗi của Công ty IDE đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Công ty IDE phải thanh toán cho Công ty Đất Xanh ĐNB hơn 313 tỷ đồng...
Ngày 20-11-2019, viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị, đề nghị hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm vì hợp đồng bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.
Ngày 3-1-2020, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, giữ nguyên bản án phúc thẩm.
Ngày 31-7-2020, chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM.
Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao, hủy toàn bộ quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao, bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Hàng loạt vi phạm
Thông qua công tác kiểm sát, VKSND Tối cao cho rằng cần thông báo để rút kinh nghiệm những vấn đề sau:
- Thứ nhất, về việc xác định lỗi của các bên dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng, hợp đồng các bên thỏa thuận về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại do lỗi của các bên: Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xác minh, làm rõ về lỗi của mỗi bên theo hợp đồng và căn cứ các quy định pháp luật để xác định nghĩa vụ tương ứng với mức độ lỗi của từng bên, mà chỉ xác định lỗi hoàn toàn thuộc nguyên đơn là chưa khách quan, toàn diện.
- Thứ hai, về việc giải quyết hậu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Đối với các căn hộ đã giao dịch thành công gồm 427 căn hộ thuộc block B3, B4 được Công ty IDE giao dịch thành công với khách hàng: Theo Điều 5 của hợp đồng thì bị đơn được hưởng phí dịch vụ bằng giá bán (bao gồm VAT) trừ đi giá gốc (bao gồm VAT) nếu bị đơn không vi phạm Điều 10 của hợp đồng (về phạt vi phạm). Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm (Cấp cao) chưa làm rõ vấn đề này đã chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là chưa đủ căn cứ.
Đối với các căn hộ chưa giao dịch thành công, do hợp đồng bị chấm dứt nửa chừng nên chưa giao dịch được: Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm (Cấp cao) chưa xác minh, làm rõ mức độ lỗi của các bên và thiệt hại thực tế xảy ra nhưng lại buộc nguyên đơn bồi thường gần như toàn bộ, cả những sản phẩm chưa bán được là không đúng với nguyên tắc về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.
Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm (Cấp cao) không xem xét, đánh giá toàn diện vụ án, không xác định đúng mức độ lỗi của các bên, dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng mà tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận phần lớn các yêu cầu (phản tố) của bị đơn, thậm chí còn chấp nhận cả yêu cầu bồi thường căn hộ chưa bán được là không đúng.
Vụ án này có nhiều vi phạm, song phải lên đến cấp cao nhất là Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm thì mới hủy án để giải quyết lại.
Cạnh đó, theo VKSND Tối cao, thông qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án này, ngay sau khi phát hiện bản án sơ thẩm có vi phạm, VKSND quận Bình Tân đã kháng nghị phúc thẩm theo hướng không chấp nhận việc bồi thường đối với 95 căn hộ thuộc block B3, B4 chưa giao dịch thành công và chưa thực hiện đối với căn hộ thuộc block B1, B2 là chính xác, đúng quy định. Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung này là không đúng.
Đến khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật có vi phạm, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm nhưng Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM không chấp nhận kháng nghị là cũng không đúng.
Cần quyết tâm bảo vệ kháng nghị
Ngoài việc rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án về tranh chấp hợp đồng như đã nêu, VKSND Tối cao thấy cần thông báo đến VKSND Cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện để rút kinh nghiệm trong việc kháng nghị, khi thấy kháng nghị có căn cứ thì quyết tâm bảo vệ kháng nghị.
Trường hợp không được chấp nhận thì báo cáo VKSND cấp có thẩm quyền kháng nghị, nhằm nâng cao chất lượng kháng nghị nói riêng và chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại nói chung.