3 yêu cầu chính của Ukraine vẫn bị phương Tây 'khước từ'

Trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine tiếp diễn, Tổng thống Ukraine đã kêu gọi Mỹ và đồng minh thực hiện một số hành động quân sự.

Tuy nhiên, có 3 yêu cầu trong số này phương Tây vẫn khước từ do lo ngại sẽ khiến họ rơi vào cuộc đối đầu trực diện với Moscow và khiến xung đột leo thang.

Lực lượng cứu hộ tại khu vực máy bay An-26 của Lực lượng vũ trang Ukraine bị bắn rơi ở tỉnh Kiev, Ukraine. Ảnh: Reuters

Vùng cấm bay

Ông Zelensky nhiều lần kêu gọi Mỹ và các đồng minh châu Âu thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine. Vùng cấm bay là nơi mà một lực lượng quân sự thiết lập nhắm ngăn chặn máy bay bay qua. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, đây sẽ là khu vực mà máy bay Nga không được phép bay và bị ngăn cản thực hiện các cuộc không kích vào Ukraine.

Vấn đề đối với khu vực cấm bay là điều này phải được thực thi bởi một thế lực quân sự. Nếu máy bay của Nga bay vào vùng cấm bay của NATO thì các lực lượng NATO sẽ phải có hành động chống lại máy bay này. Các biện pháp có thể bao gồm cả việc bắn rơi máy bay. Trong mắt Nga, đây sẽ là hành động gây chiến của NATO và có khả năng làm leo thang xung đột. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Nga sẽ coi bất kỳ nỗ lực nào của các nước khác nhằm thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine là sự tham gia vào các hành động quân sự và hành động này sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc cho toàn thế giới.

Cung cấp hệ thống phòng thủ S-300

Hệ thống tên lửa đất đối không này có khả năng tấn công các mục tiêu nằm cách xa hơn, thậm chí cao hơn so với các mục tiêu mà tên lửa Stinger của Mỹ có thể bắn hạ. CNN dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Slovakia đã đồng ý sơ bộ về việc cung cấp cho Ukraine một hệ thống phòng không S-300 có từ thời Liên Xô để giúp Kiev phòng thủ trước các cuộc không kích của Nga. Nhưng Mỹ và NATO vẫn do dự vì chưa rõ hệ thống tên lửa này có thể giúp khắc phục những khiếm khuyết trong năng lực phòng thủ của Ukraine hay không và cũng chưa xác định được cách thức chuyển giao.

Máy bay chiến đấu MiG

Hồi đầu tháng 3, Mỹ đã bác bỏ đề nghị của Ba Lan về việc triển khai máy bay chiến đấu MiG-29 tới các căn cứ của Mỹ tại Đức để bàn giao cho Ukraine.

Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết, Washington không cho rằng đề xuất này mang tính khả thi vì nó quá mạo hiểm

"Viễn cảnh máy bay chiến đấu khởi hành từ căn cứ của Mỹ hoặc của NATO ở Đức bay tới vùng trời đang diễn ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng cho toàn bộ liên minh NATO”, ông Kirby nói.Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, bất kỳ chuyến vận chuyển vũ khí nào tiến vào Ukraine đều sẽ trở thành mục tiêu "hợp pháp" của Moscow./.