Lạm phát nóng trở lại?
Mọi sự chú ý của thị trường hôm nay (ngày 14/2) đều sẽ đổ dồn vào báo cáo giá tiêu dùng của Bộ Lao động Mỹ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng chậm lại vào cuối năm 2022. Song, có vẻ như trong năm 2023, lạm phát sẽ mạnh lên, thậm chí có thể cao hơn kỳ vọng của Phố Wall.
Chia sẻ với CNBC, ông Mark Zandi, kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cho hay: “Chúng ta đã bất ngờ khi lạm phát hạ nhiệt trong ba tháng qua. Giờ đây, có lẽ chúng ta cũng sẽ không quá ngạc nhiên nếu lạm phát nóng lên trong tháng 1”.
Các nhà kinh tế dự đoán CPI tháng 1 sẽ tăng 0,4% so với tháng trước và đi lên 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Dow Jones. Chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) được dự báo tăng lần lượt 0,3% và 5,5%.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy số liệu thực tế có thể còn cao hơn.
Công cụ theo dõi các thành phần CPI của Fed chi nhánh Cleveland là Nowcast cho thấy chỉ số này đang tăng 0,65% so với tháng trước và 6,5% so với cùng kỳ. Chỉ số lõi thì tăng lần lượt 0,46% và 5,6%.
Nowcast được xây dựng với ít biến số hơn so với CPI chính thức, đồng thời sử dụng nhiều dữ liệu thời gian thực thay cho những số liệu có phần cũ hơn trong các báo cáo của chính phủ.
Dần dần, Fed chi nhánh Cleveland cho rằng Nowcast của họ đã trở nên vượt trội hơn so với các công cụ dự báo nổi tiếng khác.
Tác động đến lãi suất
Nếu dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến, thị trường có thể chịu những tác động nhất định.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đang theo dõi CPI và một vài chỉ báo khác để xác định xem 8 đợt tăng lãi suất vừa có tạo ra hiệu quả mong muốn và giúp lạm phát hạ nhiệt hay không.
Nếu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ không thành công như kỳ vọng, Fed có thể phải hành động mạnh tay và diều hâu hơn.
Song, ông Zandi của Moody’s Analytics cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu Fed thay đổi hướng đi chỉ vì một vài báo cáo đơn lẻ. Ông khuyên mọi người không nên quá lệ thuộc vào bất kỳ báo cáo hàng tháng nào mà nên đánh giá toàn diện.
Trên thực tế, nhìn vào báo cáo CPI, nhà đầu tư sẽ thấy lạm phát từng đạt đỉnh khoảng 9,1% vào tháng 6/2022, nhưng kể từ đó đã tụt xuống còn 6,4% vào tháng 12.
Dù vậy, giá thực phẩm lại không hạ nhiệt, vẫn tăng hơn 10% so với cùng kỳ vào tháng 12. Giá xăng cũng đã đảo chiều. Theo AAA, trong tháng 1 năm nay, giá tại trạm bơm đã nhích thêm 30 cent/gallon.
Ông Peter Boockvar, CIO tại Bleakley Advisory, không rõ báo cáo CPI sắp tới có tiếp tục xu hướng hạ nhiệt mà nhà đầu tư đã chứng kiến trong vài tháng qua hay không. Song, vị CIO không cho rằng báo cáo tháng 1 sẽ có nhiều ảnh hưởng đến lộ trình chính sách của Fed.
“Giả sử CPI tăng 6% so với cùng kỳ, thì liệu nó có đủ sức làm lay chuyển Fed hay không?”, ông Boockvar hỏi. “Dường như Fed có ý định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và rõ ràng họ cần thêm nhiều bằng chứng để thay đổi dự tính đó. Một báo cáo chắc chắn là chưa đủ”.
Thị trường hiện nay kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất chuẩn thêm hai lần nữa, từ phạm vi mục tiêu hiện tại là 4,5 - 4,75%. Tức là, ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ tăng tổng cộng 50 điểm cơ bản khác.
Điều chỉnh cách tính CPI
Theo CNBC, hiện có một số yếu tố có thể khiến CPI trở nên khó đoán hơn, vì Cục Thống kê Lao động Mỹ đang thay đổi cách tổng hợp báo cáo.
Một thay đổi đáng kể là cục này đang tính toán giá cả trên cơ sở so sánh một năm, thay vì khoảng thời gian hai năm như trước đây.
Điều đó đã làm thay đổi tác động của từng thành phần khác nhau lên chỉ số CPI. Chẳng hạn, trọng số của giá lương thực và năng lượng sẽ có ảnh hưởng ngày càng nhỏ tới CPI toàn phần, trong khi trọng số của giá nhà sẽ tăng nhẹ.
Ngoài ra, chi phí nhà ở sẽ có ảnh hưởng lớn hơn, trọng số tăng từ khoảng 33% lên 34,4%. Nhìn chung, sự thay đổi về trọng số sẽ giúp phản ánh mô hình chi tiêu của người tiêu dùng, qua đó cung cấp bức tranh chi phí sinh hoạt chính xác hơn.