Bát nháo quảng cáo thực phẩm chức năng

Quá nhiều các loại thực phẩm chức năng đang được rao bán tràn lan trên mạng, hành vi vi phạm trong quảng cáo diễn ra khá phổ biến như quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền; quảng cáo không đúng nội dung được xác nhận, không đúng bản chất sản phẩm...
Quảng cáo rầm rộ không đúng sự thật về thực phẩm chức năng gây hại cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa.

Quảng cáo rầm rộ không đúng sự thật về thực phẩm chức năng gây hại cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa.

Nhập nhèm sản phẩm

Số lượng thực phẩm chức năng (TPCN) đăng ký mới mỗi năm hiện lên tới con số chục nghìn, trong đó, trên 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Người biết và sử dụng TPCN tăng lên trên 60%.

Tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều sản phẩm vi phạm quảng cáo, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong những năm gần đây đã có rất nhiều cơ sở quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm cho người mua giữa TPCN với thuốc chữa bệnh bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt.

“Nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội. Qua công tác giám sát và thanh, kiểm tra, Cục đã phát hiện không ít trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên, bán TPCN trái phép. Ca sĩ, diễn viên cũng tham gia quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai sự thật” - ông Phong cho biết.

Chỉ trong tháng 12/2022, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra hàng loạt cảnh báo về các loại TPCN vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Đơn cử như sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tọa An, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Bào Ngư Calichi gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm. Hay sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Mao quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Hiện Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua và sử dụng sản phẩm nêu trên.

Bất chấp vì lợi nhuận

Không chỉ dừng lại ở quảng cáo sai sự thật, vì lợi nhuận, người bán TPCN còn mạo danh các chuyên gia y tế, các bệnh viện lớn với mục tiêu tạo niềm tin và thu hút người sử dụng.

Một trường hợp cụ thể, trong năm 2022, hàng loạt các trang web, các trang fanpage mạo danh Bệnh viện Quân y 103 đã được thành lập với mục đích chào bán TPCN. Thậm chí, có trang web được thiết kế với giao diện khá giống trang web của Bệnh viện Quân y 103, sử dụng logo, slogan và nhiều thông tin, hình ảnh hoạt động của bệnh viện.

Để tạo niềm tin với người bệnh, tại phần thông tin liên hệ, các đối tượng còn ghi địa chỉ bệnh viện, địa chỉ thư điện tử thật của Bệnh viện Quân y 103, chỉ riêng số điện thoại đường dây nóng (cũng là số điện thoại tiếp nhận thông tin khách hàng với mục đích lừa đảo) là số điện thoại mạo danh.

Đại diện Bệnh viện Quân y 103 cho biết, bệnh viện nhận được nhiều thông tin phản ánh một số trang web, trang mạng xã hội sử dụng thông tin, hình ảnh, logo hoặc cắt ghép hình ảnh của cán bộ, nhân viên bệnh viện để quảng cáo, bán thuốc, TPCN. Đây là các hành vi mạo danh với mục đích lừa đảo để trục lợi. Đại diện bệnh viện khẳng định không có chủ trương, không tổ chức quảng cáo, giới thiệu, bán bất kỳ loại thuốc, TPCN nào trên mạng xã hội.

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cảnh báo trước thực trạng hàng loạt các trang mạng xã hội mạo danh, sử dụng lập lờ tên Bệnh viện để quảng cáo bán thuốc hay TPCN. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Không chỉ mạo danh, sử dụng những danh xưng lập lờ liên quan đến bệnh viện, một loạt trang fanpage giả mạo vừa được lập ra đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang fanpage chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) cho rằng kỹ thuật chống hàng giả của Việt Nam hiện đã tụt hậu và không hữu ích. Do đó Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan phải phối hợp cùng với các doanh nghiệp có những công cụ, giải pháp tiên tiến để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường.