Cần thành lập "Đoàn kiểm tra đặc biệt" để làm rõ dấu hiệu vi phạm tại dự án

12/12/2022 11:11

Liên quan đến dự án xử lý khẩn cấp sạt lở cụm công trình Công sở xã Trung Thành & Trường phổ thông DTBT THCS Trung Thành chưa thi công xong đã sạt lở, nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cần thành lập "Đoàn kiểm tra đặc biệt" để làm rõ dấu hiệu vi phạm.

Theo tìm hiểu của phóng viên những “dự án chống sạt lở, chưa làm xong đã sạt lở” không chỉ xuất hiện ở Thanh Hoá mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

du-an-ke-chong-sat-lo-suoi-hoi-phu-thanh-pho-pleiku-tinh-gia-lai-chua-lam-xong-da-sat-lo-1670817311.jpg
Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai chưa làm xong đã sạt lở.

Báo Điện tử Công an nhân dân ngày 17/12/2021 đưa tin:“Điều tra, làm rõ sai phạm tại Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú, TP Pleiku”.

Nội dung bài viết nêu rõ, ngày 16/12/2021, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về việc điều tra, làm rõ các dấu hiệu vi phạm tại Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú, thành phố Pleiku.

Theo tìm hiểu, Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1070/QĐ-UBND ngày 31/10/2013. Ngày 9/9/2014, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục ban hành Quyết định số 720/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đầu tư xây dựng Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú.

Dự án do UBND thành phố Pleiku làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Pleiku là đơn vị trực tiếp quản lý dự án. Công trình xây dựng có tổng mức đầu tư 277,057 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 200 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương; thời gian thực hiện dự án năm 2014-2018 (sau đó được điều chỉnh từ năm 2014-2019).

Dự án được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ giảm thiểu biến đổi khí hậu, đảm bảo ổn định 2 bên bờ suối, khắc phục ô nhiễm môi trường, tạo mỹ quan đô thị, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố Pleiku. Tuy nhiên, đến ngày 11/6/2021, khi công trình vẫn đang trong quá trình thi công thì xảy ra sự cố sạt lở đoạn chân mái kè gia cố dài 63m (dầm và tấm lát) bị đẩy ra suối trung bình khoảng 1,5m, đoạn lớn nhất 2,5m gây trượt mái trồng cỏ và nền đường đỉnh kè.

du-an-xay-dung-ke-bao-ve-khu-dan-cu-tac-song-cha-1670817356.jpg
Dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà (ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) chưa nghiệm thu đã sạt lở.

Trước đó, ngày 06/06/2020, Báo điện tử Giao thông đưa tin: “TP.HCM làm rõ sai phạm dự án kè 160 tỷ chưa nghiệm thu đã sạt lở”.

Nội dung bài báo nêu rõ, sáng 6/6/2020, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm làm rõ sai phạm liên quan đến kết luận của Thanh tra thành phố về dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) chưa nghiệm thu đã sạt lở.

Theo tìm hiểu, dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà (ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) được đầu tư với kinh phí gần 160 tỷ đồng. Dự án chưa được nghiệm thu đã bị sạt lở, khiến UBND huyện Cần Giờ phải di dời khẩn cấp 4 hộ dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng.

Kết luận của Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, công trình xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà có nhiều sai phạm, thiếu sót trong quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án. Sự cố không gây thiệt hại về người nhưng làm kéo dài thời gian hoàn thành, chậm tiến độ so với kế hoạch. Ước tính giá trị thiệt hại tối thiểu đoạn kè bị sạt lở 165m hơn 15 tỷ đồng.

Các đơn vị xây dựng có trách nhiệm đối với sự cố sạt lở công trình gồm: Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi - thủy điện Nam Việt, Công ty cổ phần Đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Thủ Thiêm, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng Nhật Minh và Viện Kỹ thuật biển.

Kết luận của cơ quan thanh tra khẳng định, nguyên nhân chính gây ra sự cố sạt lở thuộc về chuyên môn kỹ thuật và năng lực của các nhà thầu trong việc khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, thẩm tra thiết kế bản vẽ, thi công và giám sát thi công.

Ngoài ra, Chủ đầu tư dự án đã thiếu trách nhiệm trong quá trình phê duyệt, lựa chọn nhà thầu và kiểm tra, giám sát, theo dõi công tác đấu thầu; việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế bản vẽ thi công; kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình xây dựng.

Quay trở lại Dự án Đầu tư xây dựng công trình Xử lý khẩn cấp sạt lở cụm công trình Công sở xã Trung Thành và Trường phổ thông DTBT THCS Trung Thành, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá.

Hồ sơ có được cho thấy, dự án nêu trên được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt tại Quyết định số 3719 ngày 23/9/2021. Theo đó, Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Quan Hoá với tổng mức đầu tư là 36.881.319.000 đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 31.554.796.000 đồng. Nguồn vốn lấy từ nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nguồn dự phòng ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án năm 2021 - 2022.

du-an-xu-ly-khan-cap-sat-lo-cum-cong-trinh-cong-so-xa-trung-thanh-va-truong-pho-thong-dtbt-thcs-trung-thanh-1670817405.jpg
Dự án xử lý khẩn cấp sạt lở cụm công trình Công sở xã Trung Thành và Trường phổ thông DTBT THCS Trung Thành, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá chưa làm xong đã sạt lở.

Tuy nhiên, công trình thi công chưa xong (khoảng 90% khối lượng) đã xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng (cơ quan chức năng cho biết có 02 vết sạt lở). Cụ thể, vết sạt lở số 01 xuất phát từ chân cơ số 01, kết thúc tại giữa mái cơ số 4 (đỉnh vết nứt cách chân cơ số 4 là 10m) tạo thành hình vòm cong, chiều rộng của chân vòm tại cơ số 01, là 108m.

Vết sạt lở số 2 xuất phát từ chân cơ số 5, kết thúc tại giữa mái cơ số 7 (đỉnh vết nứt cách chân cơ số 7 là 11,5 m và gần đỉnh đỉnh cơ số 7), tạo thành hình vòm cong, chiều rộng của chân vòm tại cơ số 5, là 59m.

Bên cạnh các vết sạt lở, còn xuất hiện các vết nứt tại các cấu kiện bê tông như: Bậc thu nước thứ nhất và thứ hai đã bị nứt, gãy ngang tại một số vị trí thân bậc. Tại các vị trí vết nứt trên mái cơ hình thành kéo theo các vết nứt gãy mặt lát tấm bê tông tại chân cơ và mặt cơ. Theo xác minh, đến thời điểm hiện tại tình trạng sạt lở vẫn chưa được chủ đầu tư khắc phục triệt để, mục tiêu dự án không đạt được như kỳ vọng, dự án có nguy cơ đội vốn, kéo dài…

Mặc dù đã chỉ rõ các vết sạt lở, nguyên nhân ban đầu dẫn đến tình trạng sạt lở, nhưng cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá chưa có bất kỳ “Đoàn kiểm tra đặc biệt” nào vào cuộc thanh tra, kết luận dấu hiệu vi phạm, chỉ rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của cá nhân tập thể có liên quan.

Như vậy, cùng một sự việc có tính chất tương tự (dự án chống sạt lở, chưa làm xong đã sạt lở), lãnh đạo tỉnh Gia Lai, thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kết luận, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan, thậm chí lãnh đạo Tỉnh uỷ có ý kiến chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm. Còn ở Thanh Hoá những nội dung trên (thanh tra, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan, chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm) dường như vẫn đang bị “bỏ ngỏ”.

Dưới góc độ kinh tế và tính khẩn cấp của dự án các chuyên gia nhận định, dự án chống sạt lở cụm công trình Công sở xã Trung Thành và Trường phổ thông DTBT THCS Trung Thành chưa đạt được như kỳ vọng, dự án kéo dài, có dấu hiệu đội vốn, lãng phí vốn đầu tư công. Dưới góc độ pháp lý, các chuyên gia kiến nghị, UBND tỉnh Thanh Hoá cần thành lập “Đoàn kiểm tra đặc biệt” để thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ quá trình từ khâu lựa chọn nhà thầu, quan trắc đến khâu thi công… Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm cần chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định.

Bạn đang đọc bài viết "Cần thành lập "Đoàn kiểm tra đặc biệt" để làm rõ dấu hiệu vi phạm tại dự án" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#