Kẻ lừa đảo dưới cái mác “người cùng khu nhà”
Phương thức hoạt động của các “chợ online” trong chung cư khá đơn giản. Muốn tham gia cá nhân chỉ cần đăng ký làm thành viên của nhóm “chợ” đó. Khi đã được phê duyệt, mỗi thành viên đều có quyền đăng bài, rao tin cần mua, bán, trao đổi hay thanh lý bất cứ món hàng nào.
Chị Ngô Thanh Hòa ở chung cư Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, hơn 2 năm nay hầu như chị không phải đi chợ dân sinh mà việc mua bán lương thực, thực phẩm hàng ngày chủ yếu qua “chợ online” của khu chung cư. Tại đây, các thành viên không chỉ rao bán nhu yếu phẩm mà còn có các món đặc sản các vùng miền, quần áo, đồ gia dụng...
Tin tưởng là “người trong nhà”, việc mua bán thường diễn ra khá nhanh gọn, bên mua sẵn sàng chuyển tiền đặt cọc từ vài trăm đến hàng triệu đồng đối với những món hàng thanh lý có giá thấp hơn hẳn so với giá thị trường.
Nhiểu đối tượng lấy danh nghĩa "người sống cùng chung cư" để thực hiện hành vi lừa đảo (ảnh minh họa)
“Vài tuần trước, thấy có thông tin rao bán thanh lý tủ lạnh cũ tại “chợ online” chung cư với giá 1,5 triệu đồng của một người tự nhận là sống cùng tòa nhà, chị bạn hàng xóm của tôi do đang có nhu cầu, lại đọc tin quảng cáo tủ lạnh còn mới 90%, chất lượng tốt, thương hiệu “xịn” nên đã nhanh chóng chuyển 300.000 đồng tiền đặt cọc, hẹn sau 5 ngày sẽ nhận hàng tại nhà.
Song đến ngày hẹn, đợi mãi không thấy hàng đâu, nhắn tin trên nhóm không một lời hồi đáp nên chị bạn tôi đã xuống căn hộ nơi người rao bán hàng nói họ sống tại đó thì “cửa khóa, then cài”. Hỏi hàng xóm, chị ngã ngửa người khi biết gia đình thuê nhà sống tại đó đã chuyển đi vài ngày trước” - Chị Hòa chia sẻ.
Không chỉ có vậy, còn một kiểu lừa đảo khác mà cư dân trong chung cư dễ gặp phải là giả mạo ban quản lý chung cư để thu phí, rao bán căn hộ, voucher của trường học, hoặc ưu đãi nghỉ dưỡng từ chủ đầu tư chung cư với mức giá hấp dẫn.
Do người mua thường có tâm lý ham rẻ, sợ người khác mua hết nên sẽ vội vàng chuyển tiền cọc để giữ hàng.
Ngoài ra, số tiền cọc không nhiều nên người mua không do dự. Đặc biệt, nếu bên bán thêm “cái mác” ở cùng chung cư thì cư dân càng dễ tin. Đây chính là điểm khiến họ dễ dàng “sập bẫy”.
Dấu hiệu nào để nhận biết các “bẫy lừa”?
Về tình trạng lừa đảo tại các khu chung cư, anh Vũ Xuân Hải - Giám đốc một công ty quản lý nhà chung cư ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, để khiến cư dân tin tưởng, kẻ gian thường mạo danh là cư dân ở các khu chung cư lớn, cao cấp hoặc trà trộn vào cộng đồng cư dân và tìm hiểu quy cách mã căn hộ, vị trí tòa nhà, một số quy định ở chung cư để cung cấp thông tin mang tính thuyết phục.
Để tránh bị lừa, khi thấy một số dấu hiệu như cá nhân nào đó đăng bài bán đồ ở trên mạng xã hội, “chợ online” người mua cần bấm vào tên để xem tài khoản có hoạt động thường xuyên không, các bài đăng gần đây có bình luận rõ nội dung trao đổi qua lại hay không.
Khi nhắn tin, gọi điện không thấy bên bán trả lời, không cung cấp thông tin nhận hàng hoặc thấy giá bán thấp hơn nhiều so với giá trị thật của hàng cư dân cần thận trọng - anh Hải đưa ra lời khuyên.
Cũng theo anh Hải, trước khi chuyển tiền mua hàng, người mua nên gọi điện video hoặc yêu cầu người bán quay video, chụp hình nhiều góc khác nhau của món hàng.
Ngoài ra, cư dân mua bán ở nội khu chung cư cần tự mình đến căn hộ lấy hàng trực tiếp hoặc chỉ khi người bán giao tận căn hộ, rồi mới thanh toán.
Bên cạnh đó, trong các nhóm mua bán của cộng đồng cư dân, đội ngũ quản trị chỉ nên duyệt các thành viên là cư dân nội khu, tránh trường hợp để đối tượng bên ngoài trà trộn vào thực hiện hành vi lừa đảo - anh Hải nhấn mạnh.