Nếu chưa phát sinh giao dịch thì rà soát lại các công ty môi giới, các sàn giao dịch bất động sản quảng cáo bảo đảm không đưa bất động sản của dự án ra bán khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
Không chỉ sự việc nêu trên, có thể thấy, hoạt động quảng cáo, rao bán bất động sản sai sự thật xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Ngoài việc cơ quan chức năng phải có công văn chấn chỉnh, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư cũng lên tiếng cảnh báo người dân về hiện tượng này. Cách đây không lâu, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đăng thông báo cho biết có một số đơn vị, cá nhân mạo danh chủ đầu tư thực hiện quảng cáo, tiếp thị, chào bán sản phẩm tại dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm-Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh, Hà Nội) không đúng sự thật.
Trước đó, cơ quan chức năng cũng nhận được phản ánh của Công ty cổ phần Đức Mạnh về việc trên internet xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo không đúng sự thật liên quan dự án chung cư nhà ở xã hội Lý Thường Kiệt (phường 14, Quận 10, TP Hồ Chí Minh). Công ty này khẳng định chưa từng thực hiện mở bán cũng như ủy thác hoặc hợp tác với bất kỳ đơn vị, tổ chức, sàn bất động sản nào liên quan dự án nêu trên. Nhiều trường hợp đưa các thông tin rao bán bất động sản sai sự thật bị các cơ quan chức năng xử lý.
Tháng 6/2022, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với một công ty bất động sản vì đăng tải, chia sẻ thông tin liên quan đến Dự án Cồn Khương Riverside Apartment, kèm hình ảnh căn hộ. Tuy nhiên, trong thực tế, không có dự án căn hộ nào với tên gọi “Cồn Khương Riverside Apartment” tại địa điểm được đưa ra trong thông tin rao vặt, quảng cáo trên mạng. Cũng trong năm nay, một công ty bất động sản bị Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xử phạt 110 triệu đồng do quảng cáo sai sự thật. Theo đó, Dự án Khu dân cư Đức Hòa Đông (huyện Đức Hòa) được công ty này quảng cáo, rao bán rầm rộ dưới tên dự án Dragon Pearl, sai tên bất động sản được chính quyền phê duyệt.
Theo ông Trần Văn Đạt, Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty bất động sản tại Hà Nội, hiện nay, hầu hết giá nhà, đất tại các địa phương đều tăng cao, trong khi người dân luôn muốn mua càng rẻ càng tốt. Nắm bắt tâm lý này, nhiều công ty hoặc nhân viên môi giới làm ăn chụp giật, thiếu uy tín đã đăng tải nhiều thông tin thổi phồng, thậm chí sai sự thật.
Thủ đoạn thường thấy là lừa người mua bằng cách thay đổi tên dự án, chủ đầu tư thật sự; đưa thông tin mập mờ, không rõ ràng như rao bán khu này lại đưa ảnh khu khác, đất nông nghiệp nhưng lại rao là đất thổ cư; rao bán sản phẩm bất động sản khi dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa đủ điều kiện giao dịch… “Việc đưa thông tin sai sự thật như thế không chỉ ảnh hưởng khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến chủ đầu tư, các sàn bất động sản làm ăn chân chính. Không ít vụ kiện tụng đã xảy ra khi người mua bị lừa bởi các thông tin sai sự thật. Lúc đó, uy tín của dự án bị ảnh hưởng nặng nề, bất động sản bị giảm giá hoặc nhiều người ngần ngại khi quyết định mua hàng”, ông Đạt cho biết thêm.
Hiện nay, ngoài việc xử phạt hành vi đăng tin quảng cáo bất động sản sai sự thật, chính quyền nhiều địa phương cũng thường xuyên cảnh báo người dân về hiện tượng nêu trên. Tuy nhiên, nhiều người vì tâm lý ham rẻ hoặc chủ quan vẫn bị sập bẫy. Anh Phạm Ngọc (quê Phú Thọ) chia sẻ: “Do chuyển công tác về Hà Nội, tôi muốn tìm mua một căn nhà tại quận Thanh Xuân, gần nơi làm việc.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu tại các trang rao bán nhà trên internet, mạng xã hội, tôi như lạc vào một ma trận thông tin. Rất nhiều người quảng cáo nhà có sổ đỏ chính chủ, nhưng khi tôi yêu cầu xem sổ lại lờ đi. Đi xem nhà với môi giới thì được dẫn đi loanh quanh với địa điểm không đúng như mô tả. Cuối cùng, sau nhiều lần đi xem nhà, tôi đặt cọc mua một căn chung cư, nhưng sau đó phát hiện là nhà ở xã hội, chưa được phép chuyển nhượng”.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Lộc) cho biết, việc đưa các thông tin rao bán bất động sản không đúng sự thật là vi phạm pháp luật về quảng cáo và thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Các Điều 197, 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm. Với tội lừa dối khách hàng có thể bị phạt tù đến 5 năm.
Theo Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP, ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, mức phạt tiền cao nhất là 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xử lý những trường hợp này không hề dễ dàng và chế tài cũng chưa đủ sức răn đe bởi lợi nhuận các đối tượng thu được khi đăng quảng cáo sai sự thật là rất lớn.
Theo một số chuyên gia về bất động sản, hiện nay, không nhiều người tìm mua nhà, đất tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của sản phẩm mình định mua. Việc tìm hiểu kỹ các thông tin như chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, diện tích sử dụng thực tế… là hết sức quan trọng nếu không muốn “tiền mất, tật mang”.
Không ít chủ đầu tư, sàn bất động sản, môi giới vì muốn bán hàng nhanh mà tư vấn, quảng cáo quá đà, thậm chí sai sự thật. Khi bán được hàng rồi thì họ rũ bỏ trách nhiệm, để lại sự bức xúc cho người mua. Trong các trường hợp, khách hàng là người chịu thiệt thòi vì sau khi bán được sản phẩm thì bên bán thường xóa sạch quảng cáo, cho nên rất khó có bằng chứng để tố cáo.