Vô lý và không có quy định nào cho phép
Vừa qua hãng gọi xe công nghệ Grab đã thông báo thu “phụ phí nắng nóng” 5.000 đồng với mỗi chuyến Grab Bike và mỗi đơn hàng Grab Food, Grab Mart; 3.000 đồng một đơn hàng với dịch vụ Grab Express tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế,... Sự việc này khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc và cho rằng bị “ép” phải chi thêm mà không thể làm khác.
Đại diện cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định, việc hãng gọi xe công nghệ Grab đưa ra chính sách thu “phụ phí nắng nóng” là không hợp lý chứ chưa nói mức thu 5.000 đồng dựa trên cơ sở nào?
Theo ông Hùng, nếu thu theo thời tiết “nắng nóng” thì e rằng mùa đông lại có “phụ phí rét đậm, rét hại!”. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến hãng Grab mà còn ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ khác, liệu có dẫn đến hiệu ứng domino “phụ phí nắng nóng” vào giá hàng hóa, dịch vụ khác?
“Cuối cùng người tiêu dùng và ngay cả người lái xe công nghệ với tư cách là người tiêu dùng đều phải gánh chịu. Hơn nữa, cùng ngồi trên xe hai bánh, người tiêu dùng cũng chịu cảnh nắng nóng như người lái xe” - ông Hùng nói.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết, thông tư về giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định: Đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải nói chung quy định giá dịch vụ bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường địa phương và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh vận tải còn phải thực hiện niêm yết giá dịch vụ theo quy định, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, thực tế, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ gồm dịch vụ tại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đại lý vận tải, đại lý bán vé, dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng, dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ….
“Như vậy, việc Grab thu phụ phí nắng nóng không có quy định nào cho phép và nó cũng không thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ” - luật sư Bình nhận định.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trong những văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, như: Luật, Nghị định đều có giải thích từ ngữ mà văn bản đó điều chỉnh. Trong trường hợp này, liên quan đến giá cả thì cần làm rõ như thế nào được coi là “nắng nóng”. Nếu không mỗi người sẽ hiểu một cách.
Luật sư Bình cho biết, theo quy định, nếu muốn áp dụng thu phí, phía Grab phải có phương án báo cáo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải trình UBND cấp tỉnh quy định việc bổ sung danh mục dịch vụ hỗ trợ vận tải vào danh mục dịch vụ phải thực hiện kê khai giá tại địa bàn địa phương.
Bình luận về mục đích thu loại phụ phí này theo giải thích từ Grab “nhằm khuyến khích có nhiều tài xế mở app hơn sau nhiều dịp nắng nóng”, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng: “Việc này là để chăm sóc đến đội ngũ tài xế của họ, thì họ nên giảm chiết khấu cho tài xế, chứ không phải thu thêm phí đó từ phía khách hàng, và cùng hưởng ké phí này”.
Theo luật sư Bình, nếu Grab vì tài xế của mình thì nên có những chính sách phúc lợi khác, như tặng thêm điểm thưởng cho tài xế chạy vào các giờ cao điểm buổi trưa, chính sách chăm sóc sức khỏe... “Các bộ ngành cần làm rõ việc thu này của Grab” - luật sư Bình nhấn mạnh.
Không chỉ Bộ Công Thương, các bộ ngành khác cũng cần vào cuộc
Ngay sau khi ghi nhận phản ánh từ dư luận và người tiêu dùng liên quan đến việc Grab thu “phụ phí nắng nóng”, Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã có động thái can thiệp ban đầu.
Cụ thể, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có Công văn số 785 gửi Công ty TNHH Grab yêu cầu doanh nghiệp này cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị.
Đồng thời, cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay, bao gồm: Căn cứ, cơ sở và tiêu chí để áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe,…; Cùng các thông tin, tài liệu liên quan khác trước ngày 18/7.
Dựa vào báo cáo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ có những đánh giá nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Trước sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Bộ Công Thương, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam rất hoan nghênh. Tuy nhiên theo ông Hùng, quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngoài Bộ Công Thương, còn có nhiều bộ, ngành khác.
“Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nữa. Trong trường hợp này có liên quan đến Luật Giá. Vì vậy, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam rất mong các Bộ, ngành liên quan tiếp tục vào cuộc để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng” - ông Hùng kiến nghị.
Từ vụ việc Grab thu “phụ phí nắng nóng”, để quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo tốt, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bộ Công Thương đang hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm khắc phục các hạn chế trong các loại hình kinh doanh mới.
“Là thành viên Ban soạn thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), tôi sẽ tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật. Tôi cũng mong Dự thảo Luật sớm được các cấp có thẩm quyền thông qua để quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo hơn trước những vụ việc như thế này” - ông Hùng nói.