Chỉ số Dow Jones ghi nhận chuỗi tuần lao dốc dài nhất từ năm 1923. Ảnh: AP
Theo CNBC, lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái gia tăng đã khiến thị trường Phố Wall rơi vào vùng “thị trường gấu” trong phiên giao dịch ngày 20/5 với chỉ số S&P 500 có thời điểm giảm hơn 20% so với mức cao mọi thời đại.
Chốt phiên ngày 10/5, chỉ số S&P 500 cộng 0,01% lên 3.901,36 điểm sau khi sụt tới 2,3% vào đầu phiên. Ở mức đáy của phiên giao dịch, S&P 500 giảm 20,9% so với mức kỷ lục thiết lập vào tháng 1/2022. Theo thông lệ trên sàn Phố Wall, một chỉ số bị coi là rơi vào “thị trường gấu” nếu như giảm quá 20% so với đỉnh lịch sử. Sau đà hồi phục ở cuối phiên 20/5, chỉ số S&P 500 còn kém 19% so với mức kỷ lục trước đây. Đây là lần sụt giảm nhanh nhất của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ cuộc suy thoái chớp nhoáng vào tháng 3/2020 khi dịch Covid-19 khởi phát tại Mỹ.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tăng 8,77 điểm, lên mức 31.261,90 điểm sau khi mất hơn 600 điểm ở mức thấp nhất trong phiên. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,3% và nằm sâu trong vùng “thị trường gấu” khi giảm 30% so với mức đỉnh.
Chủ tịch George Ball của Sanders Morris Harris nhận xét: “Cổ phiếu vẫn đang được định giá một cách tự do và tâm lý đưa thị trường đi lên trong suốt một thập kỷ qua đã chuyển thành tiêu cực. Trung bình, một đợt thị trường đầu cơ giá xuống của chứng khoán Mỹ thường kéo dài khoảng một năm (khoảng hơn 338 ngày). Đợt giảm này mới chỉ đi được 1/3 khoảng thời gian như vậy, vì vậy thị trường có thể tiếp tục giảm, cho dù vẫn có những đợt tăng tạm thời”.
Tính chung trong tuần, chỉ số Dow Jones mất 2,9%, đánh dấu chuỗi 8 tuần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ năm 1923. Trong khi đó, S&P 500 giảm 3% trong tuần và Nasdaq lao dốc 3,8%, cùng chứng kiến tuần giảm thứ 7 liên tiếp.
“Đợt suy giảm trong tuần này dường như phản ánh những lo ngại rằng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi lạm phát tăng nóng trong năm nay” - nhà quản lý danh mục David Wagner của Aptus Capital Advisors đánh giá.
Thị trường chứng khoán Mỹ suy yếu trong những tháng gần đây khi nền kinh tế phải đối mặt với áp lực lạm phát lớn nhất kể từ những năm 1980. Cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến cho giá năng lượng nói riêng và các loại hàng hóa nói chung lên cao hơn.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã báo hiệu rằng sẽ tiếp tục nâng lãi suất khi cơ quan này nỗ lực kiềm chế lạm phát. Lập trường cứng rắn về chính sách tiền tệ của FED đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Trước đó hôm 19/5, Deutsche Bank cho biết S&P 500 có thể rơi xuống mốc 3.000 điểm nếu xảy ra cuộc suy thoái.
Đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ ban đầu tập trung ở các cổ phiếu công nghệ vốn hóa cao. Sau đó, xu hướng bán tháo lan rộng ra các nhóm cổ phiếu khác.
Nhà đầu tư tiếp tục bán tháo các cổ phiếu sản xuất chất bán dẫn trong ngày thứ Sáu do lo ngại suy thoái kinh tế sau khi Applied Materials hạ dự báo tương lai. Nhiều cổ phiếu sản xuất chip vẫn đi xuống như Applied Materials mất 3,9%, Nvidia và Advanced Micro Devices giảm lần lượt 2,5% và 3,3%.