Chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng ghi nhận tuần tăng mạnh nhất từ tháng 11/2020. Ảnh: AP
Chốt phiên giao dịch ngày 27/5, chỉ số Dow Jones tăng 575,77 điểm, tương đương gần 1,8%, lên mức 33.212,96 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 2,5% đạt 4.158,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 3,3% lên 12.131,13 điểm, nhờ lực đẩy từ kết quả lợi nhuận khả quan của các công ty phần mềm và đà suy giảm của lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Cả ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall cùng phục hồi mạnh trong tuần. Dow Jones vọt 6,2%, chấm dứt 8 tuần giảm liên tiếp - chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ năm 1923. Chỉ số S&P 500 tăng 6,5%, còn Nasdaq Composite leo dốc 6,8%. Trước đó, cả hai chỉ số này cùng chứng kiến 7 tuần giảm liên tiếp.
Đà tăng của chứng khoán Mỹ trong tuần qua chủ yếu đến từ hai phiên giao dịch ngay thứ Năm và thứ Sáu (26 và 27/5) khi tâm lý nhà đầu tư cải thiện nhờ doanh nghiệp bán lẻ công bố lợi nhuận tích cực và số liệu lạm phát hạ nhiệt.
Nhà quản lý danh mục Tom Martin của Globalt Investments nhận định với đài CNBC: “Rõ ràng tâm lý của nhà đầu tư đã được cải thiện trong phiên hôm nay và thị trường có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều đó. Thị trường cổ phiếu đã giảm sâu trong một thời gian dài, và nếu thị trường có thể ổn định ở đây, thì xu hướng giảm đã chấm dứt hoặc sắp kết thúc.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 27/5 công bố chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi trong tháng 4 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 5,2% của tháng 3. Chỉ số này là một thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) theo dõi chặt chẽ khi thiết lập chính sách tiền tệ. Việc lạm phát hạ nhiệt cho thấy FED có thể sẽ không cần thắt chặt tiền tệ quá mạnh tay.
Đà tăng điểm của các chỉ số chính trong phiên ngày thứ Sáu một phần nhờ đón nhận báo cáo tài chính tích cực của một số doanh nghiệp bán lẻ. Ulta Beauty tăng 12,5% sau khi công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo. Cổ phiếu Gap tăng 4,3% dù cắt giảm dự báo lợi nhuận.
“Trong tuần này, một số hãng bán lẻ đã bắt đầu cân bằng bức tranh vĩ mô, cho thấy sự suy yếu của hoạt động tiêu dùng dường như đã bị thổi phồng” - nhà phân tích Christopher Harvey của Wells Fargo nhận định.
Dù phục hồi mạnh tuần này, các chỉ số chính trên sàn Phố Wall vẫn đang thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite đang trong trạng thái “thị trường gấu” (thị trường đầu cơ giá xuống) khi giảm 20% so với đỉnh. Hiện Nasdaq Composite thấp hơn 25,2% so với mức cao kỷ lục, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 13,7% và 10,1%.
Giám đốc đầu tư Jeff Kilburg của Sanctuary Wealth nói rằng ông xem thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ như một “ngọn hải đăng” cho thị trường chứng khoán. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đã giảm dưới 2,75% sau khi lập đỉnh trên 3% mới đây.
“Tôi không gọi đây là một đợt hồi phục mang tính đầu cơ, mà đơn giản thị trường đang quay trở lại quỹ đạo của nó. Nhiều người vốn đã quá bi quan”, ông Kilburg nhận định. “Về vấn đề lãi suất, nếu lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 3%, đà hồi phục của thị trường cổ phiếu sẽ không bền vững. Khi lợi suất giảm xuống dưới 2,75%, chứng khoán Mỹ sẽ tăng trở lại.”