Thanh Hóa: Doanh nghiệp ôm hàng chục nghìn m2 đất nhưng 'treo' dự án 10 năm

26/05/2022 18:02

Việc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển kinh tế rừng bền vững Toàn Cầu được cho thuê 30.000m2 đất nhưng không triển khai dự án ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định về việc thu hồi đất và cho phép Công ty cổ phần Đầu tư phát triển kinh tế rừng bền vững Toàn Cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và thuê đất để xây dựng Nhà máy liên hiệp chế biến gỗ xuất khẩu rừng bền vững Toàn Cầu, tại Cụm công nghiệp xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Diện tích 30.000 m2, hình thức thuê đất là: thu tiền thuê đất hàng năm.

30.000m2 đất doanh nghiệp thuê không phát huy hiệu quả

Sau khi được giao đất trong cùng năm, công ty đã tiến hành xây dựng một số hạng mục như: cổng, tường rào mặt phía trước, 3 nhà xưởng xây tường gạch, cột trụ luồng xây gạch bao, vì kèo sắt, mái tôn, 8 nhà xây tường gạch mái proxi măng, 1 nhà xây tường gạch mái tôn, 2 nhà xây tường bao quanh, còn lại nhiều hạng mục chưa thực hiện, hoặc chưa hoàn thành theo quy định. Hoạt động sản xuất của dự án cầm chừng, không đúng với mục đích được cho thuê đất.

Tháng 12/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục gia hạn lần 1 với thời gian là 24 tháng, rồi lại tiếp tục gia hạn lần 2 tháng 3/2021, thời gian gia hạn đến 30/8/2021 để Công ty hoàn thiện các hạng mục của dự án đưa vào sản xuất kinh doanh.

Sau khi được gia hạn, Công ty trên đã tiến hành cải tạo lại một số hạng mục công trình và đến thời điểm hiện tại, mới chỉ đưa một phần nhà máy vào hoạt động gồm, 1 xưởng sản xuất luồng trên 50 lao động.

Ông Lương Tiến Thành, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Hiện nay căn cứ vào tình hình hoạt động của Công ty, UBND huyện Quan Sơn cũng có rất nhiều văn bản đề nghị, gửi cấp trên và chủ đầu tư để đề xuất không tiếp tục triển khai thực hiện dự án này.

Theo ông Thành, hiện nay việc chậm đưa nhà máy vào hoạt động, đang gây lãng phí quỹ đất, trong khi còn nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng huyện không còn quỹ đất phù hợp để bố trí kêu gọi sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, tính đến 6/3/2022, toàn tỉnh hiện có 67 dự án vi phạm luật đất đai, không thể hoàn thành, trong đó có dự án đầu tư xây dựng Nhà máy liên hiệp chế biến gỗ xuất khẩu rừng bền vững Toàn Cầu tại xã Trung Hạ, huyện biên giới Quan Sơn.

Bạn đang đọc bài viết "Thanh Hóa: Doanh nghiệp ôm hàng chục nghìn m2 đất nhưng 'treo' dự án 10 năm" tại chuyên mục Dự án - Đấu thầu. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#