Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (12/9), khi đồng USD suy yếu và kỳ vọng gia tăng rằng lạm phát đã qua đỉnh giúp giá cổ phiếu hồi phục trong lúc nhà đầu tư chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8. Giá dầu cũng đi lên do mối lo nguồn cung dầu thắt chặt trong lúc nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn mạnh.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 229,63 điểm, tương đương tăng 0,71%, chốt ở 32.381,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,06%, chốt ở 4.110,41 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,27%, đạt 12.266,41 điểm.
Năng lượng là nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất phiên này, giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, sự tăng điểm diễn ra trên diện rộng, với toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 cùng chốt phiên trong sắc xanh. Cổ phiếu hãng công nghệ Apple tăng 3,85%, tạo cú huých lớn nhất cho cả S&P 500 và Nasdaq.
Đây là phiên tăng thứ tư liên tiếp của chứng khoán Mỹ, nối dài đà hồi phục sau chuỗi tuần giảm liên tiếp. Thị trường đã tăng trong tuần trước, chấm dứt chuỗi 3 tuần không ngừng đi xuống.
Mức độ biến động của giá cổ phiếu ở Phố Wall đang ở mức cao trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 20-21/9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo dự báo của giới phân tích, trong cuộc họp này, Fed sẽ có lần nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ ba liên tiếp để chống lạm phát. Trong những tuần gần đây, các quan chức Fed liên tục khẳng định sẽ duy trì việc tăng mạnh lãi suất để kéo lạm phát xuống cho dù việc này có thể gây tổn hại đối với tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, một số diễn biến trong những ngày gần đây, bao gồm sự suy yếu của tỷ giá đồng USD sau khi lập đỉnh 20 năm vào tuần trước, có vẻ đang giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm hơn 0,6% trong phiên đầu tuần, về mức 108,3 điểm. Tuần trước, chỉ số này đạt gần 111 điểm.
Nhiều người cũng lạc quan về báo cáo CPI dự kiến công bố vào sáng ngày thứ Ba (13/9) theo giờ Mỹ, cho rằng báo cáo này sẽ cho thấy tốc độ tăng giá cả tại nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục chậm lại.
“Khả năng lạm phát dịu đi có thể sẽ đưa thị trường phục hồi thêm. Trong trường hợp như vậy, rủi ro chính trong ngắn và trung hạn sẽ là liệu tình hình lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có tiếp tục xấu đi hay không”, CEO Phillip Toews của công ty quản lý tài sản Toews Asset Management nhận định trong cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
Diễn biến chỉ số S&P 500 từ đầu năm đến nay.
“CPI được dự báo tăng chậm lại một chút. Thị trường hy vọng là điều đó sẽ dẫn tới việc Fed tăng lãi suất ít hơn trong cuộc họp tháng 9. Vì lý do này, tâm lý ham thích rủi ro đã gia tăng trong phiên giao dịch ngày hôm nay”, nhà quản lý danh mục Robert Pavlik thuộc công ty Dakota Wealth nhận định.
Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế dự báo CPI tháng 8 của Mỹ giảm 0,1% so với tháng 7 và chỉ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ giá hàng hóa cơ bản giảm nhiệt. Hồi tháng 6, lạm phát ở Mỹ là 9,1%, cao nhất hơn 40 năm.
Tuy nhiên, sự giảm tốc của lạm phát như vậy được cho là chưa đủ để khiến Fed đưa ra một bước nhảy lãi suất nhỏ hơn trong lần họp này. Thị trường đang đặt cược khả năng 92% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Tư tuần tới – theo công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
“Thị trường hiện đã phản ánh hết khả năng tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 của Fed. Thị trường đang kỳ vọng sau đợt nâng này, Fed sẽ chuyển về bước nhảy 0,5 điểm phần trăm và thấp hơn sau đó, và điều này là dễ chịu đối với Phố Wall”, ông Pavlik nhận định.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,25%, chốt ở 94 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,99 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 87,78 USD/thùng.
Dầu tăng giá sau khi có dấu hiệu cho thấy cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc gặp trở ngại giữa lúc lệnh cấm vận dầu Nga sắp được thực thi. Những yếu tố này dẫn tới nguồn cung dầu tiếp tục thắt chặt trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn mạnh.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay.
Tuần trước, đà giảm của giá dầu đã bị hãm lại sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức liên minh OPEC+, cắt giảm nhẹ hạn ngạch khai thác dầu của tháng 10.
Tiếp đó, vào ngày thứ Bảy, các nước Pháp, Anh và Đức cho biết họ đang “hoài nghi sâu sắc” về ý định của Iran trong vấn đề khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Nếu thỏa thuận được khôi phục, Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân của nước này và đổi lại sẽ được dỡ trừng phạt - điều sẽ giúp xuất khẩu dầu của Iran tăng mạnh trở lại.
Giới phân tích cho rằng giá dầu sẽ tăng về cuối năm, khi nguồn cung dầu toàn cầu thắt chặt hơn sau khi Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực thi lệnh cấm vận dầu Nga từ ngày 5/12.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang chịu áp lực giảm từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát trên toàn cầu và sự giảm tốc của các nền kinh tế lớn. Theo một số dự báo, nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc năm nay có thể giảm lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, do ảnh hưởng của chính sách chống dịch Zero Covid.
“Trở ngại từ các biện pháp chống Covid ở Trung Quốc và sự giảm tốc của các hoạt động kinh tế trên toàn cầu có thể sẽ khiến cho giá dầu khó tăng một cách bền vững”, chiến lược gia Jun Rong Yeap của IG nhận định.