Cỗ xe lu Hòa Phát làm cổ đông thất vọng?

Cách thức đầu tư kinh doanh của Hòa Phát chắc chắn sẽ khó làm giá cổ phiếu tiến nhanh như kỳ vọng của các nhà đầu tư...

Dẫn đầu về doanh thu trên thị trường chứng khoán Việt với 2 tỷ đô la trong quý I/2022 và lợi nhuận đứng đầu với 2.733 tỷ đồng/tháng, nhưng Tập đoàn Hòa Phát - “cỗ xe lu” của nền kinh tế vẫn giữ chặt hơn 2 tỷ đô la tiền mặt trong tay để đầu tư mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, bất chấp sức ép của nhiều cổ đông đòi dùng khối tiền mặt này để đầu tư bất động sản hoặc sinh lợi tức thì.

Cỗ xe lu Hòa Phát làm cổ đông thất vọng? 1

Tập đoàn Hòa Phát là nhà sản xuất thép nằm trong TOP 50 doanh nghiệp thép hàng đầu thế giới

 

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), nhiều ý kiến cổ đông “đòi” Ban lãnh đạo tập đoàn sử dụng lượng tiền mặt hiện có (khoảng 46.300 tỷ đồng) vào các việc: Trả cổ tức, cho vay lấy lãi và đầu tư bất động sản. Nhưng tất cả đều nhận được cái lắc đầu của Chủ tịch Trần Đình Long, cổ đông lớn nhất đồng thời là người chèo lái HPG 30 năm qua.

Nếu là nắm giữ cổ phiếu HPG lâu năm hoặc để ý theo dõi cổ phiếu này, các nhà đầu tư sẽ thấy HPG là doanh nghiệp luôn chia cổ tức hàng năm chủ yếu là cổ phiếu, tiền mặt nếu có chỉ rất nhỏ (5 - 15%/ tùy năm).

Lý do như ông chủ tập đoàn này chia sẻ là HPG dùng lợi nhuận để tái đầu tư mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là thép, không đầu tư ngoài dàn trải.

Kiên định với mục tiêu này, đến nay, HPG đã là nhà sản xuất thép nằm trong TOP 50 doanh nghiệp thép hàng đầu thế giới, lớn nhất Đông Nam Á và xuất khẩu được vào cả thị trường Trung Quốc.

5 năm trước, khi Hòa Phát đầu tư giai đoạn I của Dự án khu liên hợp Dung Quất với sản lượng 5,2 triệu tấn/năm, cạnh tranh rất tốt với Formosa, không ai tin là Hòa Phát sẽ làm được trong vòng 3 năm.

Nhưng với 3 năm làm thật, làm nhanh với quy mô lớn, Hòa Phát đã tạo ra giá thành và lợi nhuận cạnh tranh nhất, lấy đà đầu tư tiếp giai đoạn II dự kiến 85.000 tỷ đồng mà chỉ cần đi vay 35.000 tỷ đồng (đã được 5 ngân hàng cho vay hợp vốn).

Đây là điều mà chưa có nhà sản xuất lớn nào ở Việt Nam làm được. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lớn trước kia như Pomina, Tổng công ty thép Việt Nam đã bị Hòa Phát bỏ lại phía sau từ nhiều năm trước.

Chủ tịch Trần Đình Long nhiều lần nói với các cổ đông: “Hòa Phát như một cỗ xe lu”, nói nôm na là cứ “lù lù tiến”, không đi đường ngang, không rẽ tắt, không bị những “con sóng” của thị trường làm chao đảo mục tiêu: Là nhà sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam và khu vực.

Sau 3 dự án khu công nghiệp ở phía Bắc (luôn lấp đầy và mở rộng), 3 dự án nhà ở thương mại tại Hà Nội (pháp lý rõ ràng), đến nay Hòa Phát chưa công bố thêm một dự án lớn nào trong “cơn lốc” công bố thông tin về bất động sản của các doanh nghiệp lớn.

Trên thực tế từ năm 2021, ông Long đã tuyên bố bất động sản là mảng kinh doanh chính thứ hai của HPG sau thép.

Công ty bất động sản thứ hai của HPG được thành lập và đã nghiên cứu nhằm mua lại các dự án của nhiều doanh nghiệp khác.

Song nhiều deal không thành cho dù HPG luôn có lượng tiền mặt dồi dào. Lý do là lãnh đạo HPG không chấp nhận các dự án có “giá trên trời” hoặc chưa hoàn thiện về pháp lý và không chấp nhận rủi ro.

Cách thức đầu tư kinh doanh của Hòa Phát chắc chắn sẽ khó làm giá cổ phiếu tiến nhanh như kỳ vọng của các nhà đầu tư, cho dù các kỳ vọng này là chính đáng và cũng là hướng gợi mở cho các doanh nghiệp “dám dấn thân” hơn trên thương trường.

Song một mô hình doanh nghiệp kiểu như HPG là rất cần thiết cho thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi đến nay vẫn thiếu minh bạch và các nhà đầu tư vẫn bị không ít các doanh nghiệp “lên sàn, vẽ dự án, doanh thu để bán giấy” chi phối quyết định đầu tư.