Đầu tư vào đâu trong cơn "bão giá"?

Giới đầu tư đang “đau đầu” lựa chọn kênh đầu tư vừa giúp bảo toàn giá trị, vừa sinh lời tốt trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia.

Dù “cơn bão” lạm phát chưa hoàn toàn quét qua Việt Nam nhưng vẫn đe dọa mục tiêu kiềm chế mức 4% ở cả năm nay khi giá xăng vẫn tiếp tục tăng mà chưa có biện pháp siết lại.

toc-do-tang-truong-cpi-thang-5-so-vi-thang-trc-1657173643.jpg

Lắng nghe “bão giá”

Xét về con số, lạm phát ở Việt Nam đang không ở mức đáng ngại. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020. Mức tăng của CPI theo Tổng cục Thống kê, phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Với mức tăng này, giới chuyên môn đánh giá Việt Nam vẫn đang giữ được kế hoạch kiểm soát lạm phát mục tiêu, và có khả năng lạm phát cả năm nay của Việt Nam vẫn ở dưới mức 4% như đề ra, hoặc nếu các áp lực quá căng, lạm phát có thể lên 4,5% - vẫn là mức thấp so với nhiều quốc gia.

Trong khi đó, bên kia bán cầu, CPI tháng 5 của Mỹ đã lên mức đỉnh trong 40 năm qua, tại mức 8,6% và Nhà Trắng dự báo áp lực lạm phát sẽ còn tiếp diễn, bất chấp FED đang nỗ lực siết chặt tiền tệ. Lạm phát của Anh cũng đã lên tới 9%. Theo đó, các yếu tố khiến áp lực nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam lớn hơn, vẫn sẽ là: Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do giá cước vận tải ở mức cao; những bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng nói chung, trong đó có các quốc gia có nhập khẩu nhiên liệu, nhập khẩu dầu thô từ Nga, đẩy giá thành ở các thị trường đó lên, làm gia tăng áp lực lên thị trường thế giới. Đây cũng là những yếu tố làm tăng chi phí đẩy, tăng áp lực lạm phát của Việt Nam.

cpi-thang-5-2022-tng-038-so-vi-thang-trc-1657173691.jpg

Đã có chuyên gia cho rằng, cần lập chỉ số PHO-Index, bởi trong một tô phở, hàm chứa mọi thành phần trong giỏ hành được tính CPI. Trên thực tế, PHO-Index chưa có, song lo lắng của người dân, nhà đầu tư trước bức tranh lạm phát là rất cụ thể. Việc chọn lựa giữa các kênh đầu tư, vốn cũng đang có rất nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro, để làm sao bảo toàn và sinh lợi đồng tiền tối ưu, theo đó, đang rất được quan tâm.

Kênh đầu tư nào hấp dẫn?

Sau nhiều tháng tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng suy giảm, tiền huy động trên thị trường 1 của hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng tích cực. Tính đến cuối tháng 3/2022, tiền gửi của dân cư gần 5,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ; của các tổ chức kinh tế là gần 5,9 triệu tỷ đồng, tăng gần 19%. Đang chú ý, số tiền gửi tăng thêm của dân cư trong 3 tháng đầu năm nay nhiều hơn cả mức tăng tiền gửi của cả năm 2021. Điều này được cho là kết quả của sự dịch chuyển dòng tiền từ các kênh đầu tư khi thị trường chứng khoán suy giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp biến động, thị trường địa ốc tiềm ẩn rủi ro cao và cả thị trường tiền ảo cũng “lao dốc” trên trường quốc tế… Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm đã được nhiều ngân hàng đã nâng lên, thiết lập 1 mặt bằng mới. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia Tài chính cho rằng: “Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm khoảng 7% tuy không “ngon lành” với nhà đầu tư lướt sóng, nhưng với kênh an toàn so với lạm phát (4%) thì vẫn tốt so với kênh này ở các nước phát triển, nên vẫn nhiều người chọn gửi tiền.

kinh-doanh-vang-1657173738.jpg

Trong khi đó, VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 tại mốc 1.292,68 điểm, phục hồi 11,7% từ mức đáy trong tháng, giảm 74,12 điểm tương ứng 5,42% so với tháng trước và giảm 13,72% từ đầu năm nay. Lực bán giá thấp diễn ra trên diện rộng, chỉ số VN30 giảm 5,98%; rổ cổ phiếu vốn hóa trung bình nhỏ chịu áp lực bán mạnh hơn với mức giảm 7,44% trên chỉ số VNMidcap và đến 9,7% trên chỉ số VNSmallcap.

Dù theo TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định Chiến lược đầu tư của Dragon Capital, thị trường đã về mức định giá không thể rẻ hơn, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng với kênh này.

TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho rằng kênh chứng khoán đang có xu hướng phục hồi, nhưng chưa rõ. Nhiều khả năng nó sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư không chấp nhận rủi ro lướt sóng. Nhà đầu tư có thể xem xét để chờ một bức tranh rõ ràng hơn.

Với kênh bất động sản, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên theo dõi, bởi tình hình đang nhiễu thông tin, xu thế chung là phải giảm giá có thể kéo dài cả năm 2022; Trừ khi nhà đầu tư chốt được miếng đất “ngon” đã biết rõ, còn nói chung chưa nên vội vả mua theo tư vấn.

Thị trường vàng không được đánh giá cao về cơ hội bỏ vốn – bảo toàn và sinh lợi cao trong bối cảnh hiện nay. Tương tự, tuy tiền kỹ thuật số vẫn được đánh giá là xu thế chung của toàn cầu; song tiền ảo với trường hợp nóng của LUNA vẫn đã và đang là bài học về rủi ro rất lớn cho những nhà đầu tư trong nước.