Giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/12), khi xuất hiện những lo ngại mới về hiệu quả của vaccine đối với biến chủng Omicron, cho dù OPEC dự báo rằng ảnh hưởng của biến chủng Covid mới này đối với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên toàn cầu sẽ chỉ ở cấp độ nhẹ.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,76 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 74,39 USD/thùng.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,38 USD/thùng, tương đương giảm hơn 0,5%, còn 71,29 USD/thùng.
Tuần trước, giá cả hai loại dầu này cùng tăng khoảng 8%, đánh dấu tuần tăng đầu tiên sau chuỗi 7 tuần liên tiếp chỉ có giảm.
“Giá dầu đã hồi mạnh trong tuần trước, nhưng có một vấn đề đáng chú ý là giá vẫn còn đang thấp hơn nhiều so với mức trước khi biến chủng Omicron xuất hiện”, nhà phân tích thị trường dầu Tamas Varga thuộc PVM Oil Associates nhận định.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng Omicron, biến chủng đã được ghi nhận ở hơn 60 quốc gia, đặt ra “rủi ro cao” trện phạm vi toàn cầu, vì một số bằng chứng cho thấy biến chủng này có thể sở hữu khả năng “lách” sự bảo vệ mà những vaccine hiện có mang lại cho cơ thể người.
Trong một báo cáo vừa công bố, Đại học Oxford cũng nói rằng vaccine có vẻ tạo ra mức độ bảo vệ thấp hơn trước biến chủng Omicron.
Trong báo cáo hàng tháng ra ngày 13/12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nâng mức dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong quý 1/2022, nhưng giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng nhu cầu của cả năm. OPEC nói rằng biến chủng Omicron sẽ có ảnh hưởng nhẹ đến nhu cầu tiêu thụ dầu vì thế giới đã quen với việc ứng phó với đại dịch.
OPEC+, liên minh giữa OPEC và các nước đồng minh, sẽ họp vào ngày 4/1 để bàn về mức sản lượng cho các tháng tiếp theo.
Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iraq nói ông cho rằng tại cuộc họp tới, OPEC sẽ giữ nguyên mức tăng sản lượng dầu 400.000 thùng/ngày mỗi tháng.
Hôm thứ Sáu, Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố sẽ xả 18 triệu thùng dầu thô từ dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) vào ngày 17/12. Đây là một phần trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden về phối hợp xả dự trữ dầu cùng một số quốc gia khác nhằm hạn nhiệt giá xăng dầu. Kế hoạch này được công bố hồi tháng 11.
“Thị trường đầu có thể đối mặt với nguy cơ thừa mứa nguồn cung trong quý 1/2022… Vì vậy, chúng tôi dự báo sẽ có những trở ngại đối với giá dầu trong những tuần sắp tới”, nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank nhận định.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong tuần này là loạt quyết định về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Trong đó, các cơ quan này có thể công bố kế hoạch sớm rút lại các gói kích thích bằng chính sách tiền tệ đã triển khai từ khi Covid mới trở thành đại dịch.