Đề nghị sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2022 với 11 nhóm chính sách

Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) nhằm sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách để giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

SỬ DỤNG ĐẤT CÒN LÃNG PHÍ

Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Qua hơn 7 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra.

Cụ thể, nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Việc thu hồi giá trị tăng thêm từ đất chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng.

"Thực tế việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra.

Bên cạnh đó, vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời", tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Ngoài ra, việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân có những nơi còn khó khăn do chưa thực hiện đúng quy định. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất còn yếu kém và thiếu đồng bộ.

Quá trình tập trung, tích tụ đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng. Xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT CÒN BẤT CẬP

Theo tờ trình của Chính phủ, những tồn tại hạn chế trên là do quan hệ quản lý, sử dụng đất đai có tính lịch sử, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, thành phần, trải qua nhiều thời kỳ nhưng không được giải quyết dứt điểm, đồng bộ nên khó khăn trong xử lý theo pháp luật tại thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Đất đai còn bất cập, hạn chế; chưa đồng bộ, thống nhất với một số luật hiện hành như: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Quản lý tài sản công, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương…

Quan hệ quản lý, sử dụng đất đai có tính lịch sử, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, thành phần, trải qua nhiều thời kỳ nhưng không được giải quyết dứt điểm, đồng bộ nên khó khăn trong xử lý theo pháp luật tại thời điểm hiện tại.

Xu thế toàn cầu hóa cùng với việc Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư, đặt ra nhiều vấn đề mới, cấp bách nhưng chính sách pháp luật đất đai chưa kịp thể chế hoá; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.

Chính phủ cũng nêu rõ việc tổ chức thi hành pháp luật ở nhiều nơi còn chưa nghiêm, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật chưa thực sự có hiệu quả. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo cụ thể, sát sao và thường xuyên; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đất đai chưa được thực hiện tốt.

Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý, hệ thống thông tin đất đai chưa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước thống nhất về đất đai, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước; cơ sở vật chất trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu; cơ chế và nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu đề ra.

SỬA ĐỔI BỔ SUNG 11 NHÓM CHÍNH SÁCH 

Thực tế cho thấy, các vấn đề chính trị, pháp lý và thực tiễn đặt ra liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai là những vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi phải được nghiên cứu, xử lý thỏa đáng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước- người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Theo tờ trình của Chính phủ, những chính sách lớn, cần phải chờ tổng kết Nghị quyết trung ương và xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền thì Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu. Sau khi có kết quả tổng kết và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ đề xuất bổ sung trong quá trình soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và thực hiện đánh giá tác động bổ sung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước mắt, do tính cấp thiết, và trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tại Tờ trình này, Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Qua đó, nhằm sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách đã được xác định rõ ràng phương án xử lý, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra.

Về quy trình, thủ tục, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập đề nghị xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ Tư pháp đã thẩm định. Tại Phiên họp chuyên đề ngày 29/6/2021, Chính phủ đã thảo luận, thông qua đề nghị xây dựng Luật này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

11 nhóm chính sách được đề nghị sửa đổi, bổ sung gồm:

  • Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính;
  • Phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất;
  • Hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan;
  • Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai;
  • Thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước;
  • Hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác;
  • Về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
  • Đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai;
  • Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn;
  • Hoàn thiện quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất;
  • Hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai.