Dòng tiền lại bốc hơi, cổ phiếu bất động sản lao dốc cả loạt

Những biến động tăng giảm ngày càng thiếu chắc chắn, không thể biết sau một đêm suy nghĩ, nhà đầu tư sẽ hành động thế nào phiên kế tiếp. Hôm qua cầu bắt đáy kéo lên tích cực, hôm nay dòng tiền lại bốc hơi. VN-Index giảm gần 8 điểm tương đương 0,78%. Nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều mã bị xả mạnh khiến giá rơi tới mức sàn...

chung-khoan-1666768222.png Nhiều cổ phiếu bất động sản giảm rất mạnh.

 

Những biến động tăng giảm ngày càng thiếu chắc chắn, không thể biết sau một đêm suy nghĩ, nhà đầu tư sẽ hành động thế nào phiên kế tiếp. Hôm qua cầu bắt đáy kéo lên tích cực, hôm nay dòng tiền lại bốc hơi. VN-Index giảm gần 8 điểm tương đương 0,78%. Nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều mã bị xả mạnh khiến giá rơi tới mức sàn.

Chỉ số đại diện nhóm bất động sản trên HoSE là cchốt phiên sáng giảm tới 3,32%, mạnh nhất trong các chỉ số ngành. Dù thanh khoản sàn HoSE cực kém với 2.715 tỷ đồng thì trong 10 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất sàn này, có 4 cổ phiếu bất động sản và tất cả đều giảm.

DIG giao dịch lớn nhất thị trường với gần 143,9 tỷ đồng và giá giảm sàn 6,85%. Hiện DIG vẫn đang dư bán sàn tới gần 3,5 triệu cổ. DXG giảm sàn, dư bán sàn 557.800 cổ và thanh khoản khoảng 72,8 tỷ đồng. KBC sàn, dư bán sàn 2,93 triệu cổ sau khi đã thanh khoản 69,3 tỷ. HDC giảm 5,75% với thanh khoản 106,5 tỷ đồng, trong phiên giá có lúc chạm sàn.

Còn rất nhiều cổ phiếu bất động sản khác giảm cực mạnh nhưng mức ảnh hưởng ít hơn, như NVT, KBC, PVL, PLA cũng giảm hết biên độ. Nhóm DXS, DRH, LDG, QCG, PDR, CII, BCM... giảm từ 3% tới 6%. Nhóm blue-chips có VHM giảm 6,17%, VIC giảm 4,46%, NVL giảm 2,27%... Đây cũng là 3 cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất lên VN-Index.

chung-khoan-2-1666768264.png VN-Index một lần nữa thất bại trong việc giành lại ngưỡng 1.000 điểm

 

Rổ VN30 cũng đang bị kéo xuống mạnh vì nhóm bất động sản kể trên. Chỉ số giảm 0,86% dù có 12 mã tăng/14 mã giảm. Nhóm tăng khá nhất là KDH tăng 4,05%, BID tăng 2,72%, GVR tăng 2,26%, MSN tăng 1,87%, SAB tăng 1,12%. Điểm bất ngờ là thanh khoản của rổ này cực kém với 815,2 tỷ đồng, giảm tới 63% so với sáng hôm qua.

Thanh khoản thấp cũng là tình trạng chung, sau khi có lượng tiền khá lớn bắt đáy hôm qua. Tổng giá trị khớp hai sàn niêm yết giảm tới 56%, chỉ đạt 2.997 tỷ đồng. HoSE giảm 56%, đạt 2.715 tỷ đồng. Dù vậy điểm tốt là HoSE vẫn có độ rộng không quá kém, với 141 mã tăng/237 mã giảm. 15 mã giảm sàn và 128 mã khác giảm từ 1% trở lên. Nhìn chung áp lực giảm giá vẫn áp đảo và thanh khoản ở nhóm giảm chiếm 61% tổng giao dịch của sàn này.

Trong nhóm tăng, cũng có khá nhiều mã xuất sắc với thanh khoản tốt như KDH, PAN, LPB, MSN, DGC, DGW, KDC đạt mức tăng trên 1% và thanh khoản tối thiểu trên 20 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng nhẹ và không phải là sức ép chính. Tổng giá trị bán trên HoSE chỉ chiếm khoảng 9,5% giao dịch, tương ứng 281,8 tỷ đồng. Mức mua vào 227,2 tỷ, tương đương bán ròng 54,6 tỷ. CTG bị bán nhiều nhất cũng chỉ 16,2 tỷ ròng. VHM, VND, HPG là các mã còn lại bị bán ròng trên 10 tỷ đồng. Phía mua không có mã nào vượt được 10 tỷ ròng.

VN-Index mất 7,81 điểm và lùi xuống 989,89 điểm. Mức này vẫn còn tốt so với đáy thấp nhất ngày hôm qua. Tuy vậy hôm nay một lần nữa chỉ số thể hiện sự thất bại trong nỗ lực vượt qua mốc 1.000 điểm. Lúc 9h30 chỉ số đã tăng vượt lên 1.004,55 điểm trước khi lực cầu quá tệ khiến cổ phiếu hạ độ cao. Nhiều lần chỉ số không giành lại được mốc tâm lý này sẽ khiến thị trường thêm thất vọng và thiếu niềm tin, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền quá yếu.