Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 1%, lên 6%/năm, nhiều ngân hàng vào cuộc đua lãi suất huy động từ chiều ngày 25 và sáng 26/10.
Hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm kịch trần
Kể từ ngày 26/10, VPBank thông báo điều chỉnh lãi suất huy động. Theo đó, tất cả các khoản tiền gửi trên 300 triệu có kỳ hạn dưới 6 tháng theo hình thức gửi trực tuyến đều được áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm; các khoản tiền gửi dưới 300 triệu sẽ được nhận lãi suất từ 5,8 – 6%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Tương tự, Techcombank thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Trong đó, nhà băng này đã tăng lãi suất huy động tại quầy đối với khách hàng mới theo sản phẩm Tiền gửi Phát lộc lên mức tối đa cho phép là 6%/năm cho tất cả các kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Các sản phẩm tiết kiệm thông thường được hưởng lãi suất 5,9%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng.
Trước đó, từ chiều ngày 25/10, một loạt ngân hàng khác như BacABank, NCB, SeABank, VIB, SCB…cũng đã đưa ra biểu lãi suất huy động mới, trong đó tăng mạnh lãi suất tiền gửi với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Đáng chú ý, trong số các ngân hàng này, SCB vừa công bố bảng lãi suất huy động mới với mức cao kỉ lục 9,3%/năm cho các kì hạn 15, 18, 24, 36 tháng (áp dụng cho hình thức gửi tiền trực tuyến, nhận lãi cuối kỳ). Đây cũng là mức lãi suất cao nhất thị trường hiện tại.
Các kỳ hạn khác đối với hình thức gửi tiền online cũng đang được SCB niêm yết ở mức cao. Cụ thể lãi suất cho kỳ hạn 11 tháng của ngân hàng này ở mức 8,95%, 10 tháng ở mức 8,9%, 9 tháng ở mức 8,85%, 6 tháng ở mức 8,7%... Đặc biệt với kỳ hạn 1 tháng, mức lãi suất tại SCB cũng rất cao, lên tới 6%.
Không chỉ với hình thức gửi tiền online, lãi suất với hình thức gửi trực tiếp của SCB cũng ở mức cao, 6% với kỳ hạn 1-2-3-4-5 tháng, 6,4% với kỳ hạn 6 tháng, 6,8% với kỳ hạn 10 tháng và 8,5% đối với các kỳ hạn 12-15-18-24-36 tháng...
Động thái tăng loạt lãi suất huy động của các ngân hàng do từ 25/10, NHNN đã tăng trần lãi suất huy động tiền gửi lên 6%/năm, cùng với việc tăng một loạt lãi suất điều hành khác. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai của nhà điều hành chỉ sau hơn 1 tháng.
3 mục tiêu cho việc tăng lãi suất
Theo Công ty chứng khoán Yuanta, việc tăng lãi suất điều hành của NHNN lần này diễn ra sớm hơn dự báo khi trước đó và các chuyên gia cho rằng có thể sẽ có thêm đợt tăng lãi suất trong thời gian tới.
Yuanta cho rằng, mục đích của việc tăng lãi suất lần này là để hạn chế áp lực lên đồng VND dưới sự gia tăng của đồng USD. Chi phí huy động vốn của các ngân hàng sẽ tăng lên trong thời gian tới, trong khi lãi suất cho vay có thể sẽ không tăng tương ứng, dẫn đến NIM bị ảnh hưởng.
Còn theo nhận xét của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, có 3 mục đích chính của lần tăng lãi suất lần này. Thứ nhất là kiểm soát kỳ vọng lạm phát (khi lãi suất tăng, giảm tổng cầu, giảm áp lực giá cả, lạm phát sau đó). Thứ hai là NHNN lường đón các đợt tăng lãi suất tiếp theo của FED. Thứ ba là nhằm giảm áp lực tỷ giá vì khi lãi suất đồng nội tệ tăng, chính là tăng hấp dẫn của đồng nội tệ, thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND, qua đó, giảm áp lực tỷ giá.
Tuy nhiên, việc lãi suất điều hành tăng khiến lãi suất huy động đã và đang tăng lên từ 1-3% từ đầu năm đến nay, tùy kỳ hạn tiền gửi; lãi suất cho vay tăng chậm hơn và ít hơn, ở mức 1-2%, tùy thời hạn vay, khách hàng và ngành nghề vay. Việc này cũng là để hỗ trợ doanh nghiệp một phần, theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia này lưu ý, khi lãi suất tăng người gửi tiền/cho vay sẽ được lợi, còn bên đi vay sẽ phải trả lãi suất cao hơn (cả nợ cũ và nợ mới). “Tất nhiên, tăng lãi suất là khó khăn đối với doanh nghiệp vì doanh nghiệp vẫn đi vay là chủ yếu. Đây là việc làm rất khó khăn của NHNN. Vì thế, NHNN hiện nay phải cân đối, tính toán đa chiều, tổng hòa các mặt để đưa ra quyết định tăng hay giảm lãi suất, rồi mức độ và tần suất như thế nào”, ông Lực nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Lực cho rằng doanh nghiệp cần quyết liệt tái cấu trúc, đa dạng hóa nguồn vốn, quan tâm hơn đến quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tài chính (dòng tiền), lãi suất và tỷ giá, có thể phối hợp với tổ chức tài chính trong nước để kiểm soát rủi ro.