Giá dầu tăng 4% tuần này, đạt đỉnh 7 năm

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (8/10), đưa tổng mức tăng trong cả tuần lên khoảng 4%, khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đẩy giá dầu tại Mỹ lên cao nhất 7 năm và một số quốc gia tiêu thụ điện lớn nhất không có đủ điện để dùng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Một nhân tố quan trọng đẩy giá dầu leo thang trong tuần này là việc OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng, thay vì tăng sản lượng mạnh hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn gồm Mỹ và Ấn Độ. Các hoạt động kinh tế toàn cầu đang khởi sắc mạnh từ mức đáy của đại dịch Covid-19, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu tăng nhanh, nhưng sản lượng khai thác dầu không tăng tương ứng, dẫn tới nguồn cung thắt chặt.

Chính phủ Mỹ cho biết đang theo dõi sát các diễn biến trên thị trường năng lượng, nhưng chưa có động thái cụ thể nào để “hạ nhiệt” giá dầu, chẳng hạn như xả dự trữ dầu lửa chiến lược. Sự “án binh bất động” này của Washington khiến giá dầu càng có lý do để tăng.

Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Sáu, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,44 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, đạt 82,39 USD/thùng. Trong tuần, có lúc giá dầu Brent đạt 83,47 USD/thùng, cao nhất 3 năm.

Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,05 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 79,35 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của loại dầu này kể từ hôm 31/10/2014.

Giá xăng giao sau tại Mỹ trong phiên ngày thứ Sáu cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.

“Bức tranh nền tảng của thị trường dầu hiện nay là một bức tranh về sự thắt chặt nguồn cung có thể đẩy giá dầu lên những mức cao hơn”, nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital ở New York nhận định.

Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.

Giữa lúc nguồn cung thắt chặt mà nhu cầu tiêu thụ tăng, nhiều người lo ngại rằng một mùa đông lạnh giá có thể đẩy giá khí đốt thiết lập những mức kỷ lục mới. Khi các quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt phải chuyển sang dùng dầu vì giá khí đốt đắt đỏ, đà tăng của giá dầu sẽ đẩy nhanh.

Trung Quốc, quốc gia đang ở trong một cuộc khủng hoảng thiếu điện, đã yêu cầu các mỏ than ở vùng Nội Mông tăng sản lượng để có than cho các nhà máy nhiệt điện.

“Khi giá các năng lượng khác như khí đốt tự nhiên và than tiếp tục tăng, lực đẩy mới được tạo ra đối với giá dầu, bên cạnh đà tăng giá dầu đã có sẵn”, chuyên gia Christopher Kuplent của Bank of America nhận định.

Giá khí đốt tự nhiên giao sau tại cảng TTF ở Hà Lan vào hôm thứ Sáu tương đương khoảng 200 USD/thùng dầu thô, theo ước tính của Reuters.

“Xu thế chuyển từ dùng khí đốt sang dầu thô để phát điện có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu ở bán cầu Bắc trong mùa đông năm nay”, ngân hàng ANZ nhận định trong một báo cáo và nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong quý 4/2021 thêm 450.000 thùng/ngày.