Hà Nội mở đợt cao điểm 60 ngày kiểm tra, rà soát công tác cháy nổ

Nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi cháy, nổ trên địa bàn, từ ngày 15/10 đến 15/12/2022, Công an thành phố Hà Nội quyết định sẽ mở đợt cao điểm 60 ngày kiểm tra, rà soát công tác này.
ha-noi-mo-dot-cao-diem-60-ngay-kiem-tra-ra-soat-cong-tac-chay-no-1665809927.jpg
Hà Nội mở đợt cao điểm 60 ngày kiểm tra, rà soát công tác cháy nổ. Ảnh: Q.Trí

Trong đó, Công an thành phố sẽ tổ chức rà soát, lập danh sách cơ sở thuộc diện quản lý về phòng, chống cháy nổ theo địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và các cơ sở còn lại theo đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện.

Ngoài ra, Công an thành phố sẽ lập danh sách cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng, chống cháy nổ, tập trung kiểm tra kỹ cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao như khách sạn, nhà trọ, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chung cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng sản xuất…

Mục đích của việc kiểm tra, rà soát nhằm tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các cơ sở, đơn vị trên địa bàn.

Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, việc kiểm tra sẽ được thực hiện đột xuất và định kỳ. Đối với cơ sở đã kiểm tra theo định kỳ sẽ được phúc tra lại để xem cơ sở thực hiện hướng dẫn khắc phục tồn tại như thế nào.

Cùng với kết hợp tổng kiểm tra, rà soát, Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội yêu cầu, công an các quận, huyện, phòng, ngành chức năng tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân về phòng, chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ; kiện toàn, củng cố lực lượng tại chỗ làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, cơ sở, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Trước đó, tại Hội nghị giao ban quý III/2022 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thành phố, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa không ngừng, trong đó, có tốc độ tăng dân số cơ học, Thủ đô đang chịu nhiều áp lực dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn cháy, nổ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn song hành với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã luôn quan tâm chỉ đạo, đầu tư, tạo điều kiện tổ chức triển khai có hiệu quả công tác này.

Đặc biệt, thành phố cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng và duy trì 86 mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy... Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đã định kỳ tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Hơn 5 năm (từ năm 2016 đến tháng 5-2022), trên địa bàn Thủ đô xảy ra hơn 3.000 vụ cháy nổ, trong đó có hàng chục vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Các vụ cháy làm 86 người chết, gây thiệt hại khoảng 960 tỷ đồng. Đáng chú ý, trên địa bàn có 2.483 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy chữa cháy có hiệu lực, trong đó có 1.569 chung cư, nhà tập thể cũ; 363 trường học, cơ sở giáo dục; 180 văn phòng, trụ sở làm việc…