Dự án tai tiếng
Tìm hiểu của PV Báo TN&MT được biết, ngày 24/6/2016, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1092/TTg-KTN về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5) theo hình thức Hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao). Tuyến đường có chiều dài khoảng 1.653m nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai. Đây là tuyến đường trục chính đô thị, có ý nghĩa hết sức quan trọng kết nối các tuyến đường vành đai và các tuyến đường đô thị trong khu vực.
Ngày 13/2/2017, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1082/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề xuất Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5) theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (gọi tắt là Hợp đồng BT). Dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án này khoảng 1.574,2 tỷ đồng. Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (Công ty Vĩnh Hưng) được UBND TP. Hà Nội giao làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ quý I/2016 đến tháng 6/2019.
Được biết, cổ đông lớn nhất và nắm quyền chi phối ở Công ty Vĩnh Hưng là Công ty cổ phần Y - Dược phẩm Vimedimex (nắm giữ hơn 67% vốn điều lệ) - đây là công ty của Nguyễn Thị Loan, người đã bị Công an TP. Hà Nội bắt tạm giam vào tháng 11/2021 vì liên quan đến nhiều sai phạm trong đấu giá đất ở Hà Nội.
Về phương án thu hồi vốn, Công ty Vĩnh Hưng được tạo điều kiện khai thác quỹ đất với tổng các khu đất ở gộp lạị gần 60ha bao gồm: khu nhà ở Ao Mơ (rộng 22,9ha); các ô đất thuộc Dự án xây dựng đồng bộ kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 (rộng 11,29ha); Dự án Ao cây dừa (0,52ha); dự án Khu sinh thái Vĩnh Hưng (11,9ha); Dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng - Thanh Trì (khoảng 13ha).
Thời điểm được phê duyệt, dự án này vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận xã hội khi nhiều người cho rằng Nhà nước sẽ bị thất thoát ngân sách khi nhà đầu tư chỉ làm hơn 1,6km đường nhưng nhận lại được hơn 60ha đất “vàng” tại quận Hoàng Mai. Nhiều người còn đặt ra dấu hỏi về lợi ích nhóm cũng như tính minh bạch của dự án này. Đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn nằm trên giấy và chưa có dấu hiệu nào sẽ triển khai trong thời gian tới. Trong khi đó, một số khu đất TP. Hà Nội dự kiến dùng để đối ứng cho nhà đầu tư đã bị nhiều cò đất thực hiện các hoạt động quảng cáo, thậm chí rao bán trên internet.
Một trong những dự án đối ứng được quảng cáo, thậm chí rao bán nhiều nhất là Khu nhà ở Ao Mơ. Trên hàng loạt website như: vimefullandgroupvn.com, vre.com.vn, nhavietland.com.vn, vimebds.com… dự án này được quảng cáo là tổ hợp gồm biệt thự, liền kề, shophouse và căn hộ chung cư cao cấp kết hợp hệ thống dịch vụ tiện ích đẳng cấp bậc nhất tại Hà Nội. Thậm chí có trang web còn quảng cáo các chính sách bán hàng, nộp tiền đặt cọc trực tiếp với chủ đầu tư.
Hà Nội đang rà soát, đánh giá lại dự án
Như đã nói ở trên, thời điểm UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án, dư luận xã hội đã lên tiếng phản ứng gay gắt. Thậm chí ngày 24/7/2018, Bộ Tài chính có công văn số 8759/BTC-QLCS đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên thời điểm đó, UBND TP. Hà Nội vẫn quyết tâm cho thực hiện dự án này.
Thế nhưng tháng 11/2021, việc Công an TP. Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (đơn vị nắm cổ đông chi phối tại Công ty Vĩnh Hưng) vì liên quan đến nhiều sai phạm trong đấu giá đất thì có vẻ như mọi chuyện đã thay đổi. Cụ thể ngày 22/4/2022, UBND TP. Hà Nội đã đưa Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5) vào kế hoạch kiểm tra, rà soát để phát hiện những tồn tại, vướng mắc nhằm kịp thời xử lý cũng như kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề phát sinh.
Trao đổi với PV Báo TN&MT, bà Đỗ Phương Nga - Chủ tịch phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Hiện phần dự án tuyến đường Vĩnh Tuy - Minh Khai - Yên Duyên chạy qua địa bàn phường vẫn chưa triển khai. Từ khâu giải phóng mặt bằng cho đến thi công dự án, mọi thứ vẫn chỉ nằm trên giấy. Hiện nay thành phố đang cho rà soát, đánh giá lại dự án này nên mọi việc đều phải đợi kết luận của thành phố”.
Trong khi đó, một cán bộ thuộc Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết: “Phần dự án nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai chưa triển khai gì. Hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố đang rà soát, đánh giá lại dự án này nên chúng tôi phải đợi những chỉ đạo mới. Những khu đất mà thành phố dự kiến đối ứng khi thực hiện dự án, hiện thành phố cũng chưa giao đất cho nhà đầu tư. Vì vậy thông tin một số website quảng cáo hoặc rao bán dự án tại những khu đất đó đều là những thông tin không chính xác, người dân cần cảnh giác để tránh bị thiệt hại”.
Như vậy có thể thấy, việc TP. Hà Nội tổ chức rà soát, đánh giá lại một dự án chậm tiến độ cũng như có dấu hiệu gây thất thoát tài sản Nhà nước (cụ thể ở đây là quỹ đất) là một chủ trương kịp thời, đúng đắn. Tuy nhiên nhiều dấu hỏi tại dự án này có được giải quyết thỏa đáng hay không vẫn là một ẩn số chưa có lời giải.