Kinh tế thế giới: Lo ngại về rủi ro, kịch bản nào được chọn?

Khi thế giới bắt đầu phục hồi sau thời kỳ suy thoái do đại dịch, không ai mong đợi sẽ sớm nghe thấy từ 'rủi ro'.

Việc các nền kinh tế lớn suy thoái hoặc trước ngưỡng suy thoái rõ ràng sẽ tác động trực tiếp đến châu Á. (Nguồn: Kyodo)

Tuy nhiên, trong bài phát biểu mới đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc lại những lo ngại của các nhà hoạch định chính sách quốc tế rằng nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ suy thoái trong vài năm tới.

Các vấn đề dai dẳng về chuỗi cung ứng toàn cầu đã đẩy giá hàng hóa lên mức cao kỷ lục, khiến lạm phát tăng chưa từng thấy sau nhiều thập niên ở một số quốc gia, buộc các nước thắt chặt tiền tệ.

Các rủi ro tăng cao khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay nâng lãi suất. Điều này làm dấy lên những lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ không chịu nổi chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, khi xung lực tài chính đã âm và lạm phát ăn sâu vào thu nhập thực tế.

Ngân hàng Trung ương Anh cũng có bước đi như thế, và trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên cảnh báo nền kinh tế Vương quốc Anh có thể suy thoái vào năm 2023, kèm theo dự báo lạm phát tiêu dùng tăng trên 10%.

Đối với phần còn lại của châu Âu, rủi ro suy giảm kinh tế tăng lên còn do tác động của cuộc chiến ở Ukraine.

Việc các nền kinh tế lớn suy thoái hoặc trước ngưỡng suy thoái rõ ràng sẽ tác động trực tiếp đến châu Á.

Lịch sử nhiều lần cho thấy, giữa nguy cơ suy thoái toàn cầu thì khu vực này vẫn có thể tăng trưởng nhờ một Trung Quốc phát triển bền bỉ.

Lần này lại còn có thêm xung lực là du lịch phục hồi, bằng chứng là tăng trưởng khả quan ở nhiều nước trong quý đầu tiên năm 2022.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc đang duy trì chiến lược Zero Covid, mạnh tay đóng cửa phòng chống dịch Covid-19, những rủi ro với châu Á đã rõ ràng hơn.

Ông Priyanka Kishore, nhà nghiên cứu tại Oxford Economics, phân tích trên trang Nikkei Asia rằng, trong trường hợp thời gian phong tỏa kéo dài ở hầu hết các địa phương ở Trung Quốc, tăng trưởng GDP của nước này có thể giảm xuống còn 1% trong 2022. Khi đó, tác động tiêu cực đến châu Á sẽ rất đáng kể.

Điều quan trọng cần lưu ý là kịch bản hạ cánh cứng của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ không được chọn. Theo dự đoán, xuất khẩu của châu Á sẽ bị ảnh hưởng, do vai trò nhà cung cấp của Trung Quốc.

Kinh nghiệm từ Thượng Hải cho thấy, các đợt phong tỏa kéo dài đã làm gia tăng sự gián đoạn hậu cần và tác động đến nguồn cung toàn cầu, gây áp lực lên giá đầu vào, đầu ra.

Với lạm phát lương thực gia tăng, khoảng cách giữa lạm phát ở châu Á và các nền kinh tế lớn khác đã được thu hẹp, bởi thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số CPI của châu Á.

Tất nhiên, có sự khác biệt lớn trong khu vực về mức độ và tốc độ tăng giá, nhưng lạm phát đang ở trên mức trung bình 5 năm và có khả năng tiếp tục tăng trong quý thứ ba đối với hầu hết các nền kinh tế.

Phải thừa nhận rằng kịch bản lạm phát tăng phi mã đẩy nền kinh tế vào suy thoái vẫn chưa xảy ra với châu Á. Thị trường lao động ở châu Á đang phục hồi, tiền lương tăng.

Trái ngược với Mỹ và các nơi khác, thu nhập thực tế có thể sẽ tăng trong năm nay, mặc dù thấp, điều này sẽ hỗ trợ nhu cầu và giúp phục hồi trong khu vực.

Tuy nhiên, rủi ro suy giảm rõ ràng đã tăng lên gấp bội, khi xuất hiện suy giảm mạnh ở 3 trụ cột Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.