Nhiều hạng mục đã được xây dựng kiên cố tại dự án Khu du lịch Mộc Châu Island. |
Tìm hiểu được biết, Khu du lịch Mộc Châu Island (tên gọi cũ là Green Gem Mộc Châu) tại xã Mường Sang và xã Chiềng Hắc do Công ty Cổ phần Du lịch 26 Mộc Châu là chủ đầu tư, dự án giai đoạn 1 có quy mô diện tích 24ha, gồm các hạng mục: Cầu kính vắt qua hai ngọn núi nối liền với cầu kính đi bộ ven vách đá tổng chiều dài 632m; đu Zipline, trượt Coaster, trượt cỏ, khu vui chơi trẻ em trong nhà và ngoài trời, khu lưu niệm, bể bơi vô cực đáy kính, khách sạn đoàn tàu, Villa trên sườn núi, khu cắm trại Camping, nhà hàng tre lớn nhất Việt Nam, khám phá hang động, khu quảng trường tổ chức lễ hội và Event... tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.
Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình, hạng mục như: Cầu kính, nhà hàng tre, khu trượt khô, khách sạn hình đoàn tầu cao tốc, khu cắm trại homestay hình quả cầu… và nhiều công trình đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng thời gian tới.
Khu du lịch Mộc Châu Island bắt đầu đón khách từ ngày kỳ nghỉ lễ 30/4 và đã đón khoảng 4.000 lượt khách dịp nghỉ này, đến tháng 7 công trình khách sạn hình đoàn tàu đưa vào sử dụng, đón khách. Dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, các phòng nghỉ đã được khách đặt kín…
Khu vực nhà điều hành cũng được xây dựng ở chân đồi. |
Trên thực tế, đây là dự án phức hợp bao gồm cả thuỷ điện, khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ khách sạn lưu trú, mục tiêu dự án thu hút khoảng 700.000 lượt khách/năm. Khách sạn hình đoàn tàu cao tốc được thiết kế dài 225m, 28 phòng nghỉ diện tích từ 25 đến 50m2, xây dựng trong hơn 1 năm đã bắt đầu đón khách từ đầu tháng 7, khách sạn hình quả cầu gồm 9 phòng nghỉ tập thể lớn nhỏ bắt đầu đón khách từ kỳ nghỉ lễ 2/9.
Gần đây, xuất hiện 1 số ý kiến cho rằng, Dự án Khu du lịch Mộc Châu Island chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng, một số công trình chưa được cấp phép đã ngang nhiên xây dựng, đưa vào khai thác kinh doanh. Từ đó, dư luận cho rằng, Công ty Cổ phần Du lịch 26 Mộc Châu thiếu tôn trọng luật pháp và chính quyền địa phương. Rất có thể 1 trong số các công trình trong dự án khi đưa vào hoạt động mà không đảm bảo quy định của pháp luật có thể gây nguy hiểm cho du khách khi đến thăm quan, nghỉ dưỡng tại đây. Ví dụ như khu khách sạn lưu trú hình đoàn tàu cao tốc, khu nghỉ tập thể hình quả cầu được xây dựng tại sườn đồi có độ dốc cao, nếu không được xây dựng, xử lý nền móng, địa chất kỹ lưỡng, đúng kỹ thuật, không kè chống sạc lở đúng phương pháp sẽ rất rủi ro, nguy cơ sạt lở cao về mùa mưa bão. Từ đó đặt ra vấn đề, dự án có cần thiết phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ thiết kế, cấp giấy phép, cũng như nghiệm thu các công trình trước khi bàn giao, đưa vào sử dụng?
Dư luận đặt dấu hỏi, nếu dự án không đảm bảo tính pháp lý và không tuân thủ các quy định về thẩm định hồ sơ thiết kế cũng như nghiệm thu công trình trước khi bàn giao, đưa vào sử dụng, điều này rất đáng quan ngại. Tính mạng, sức khoẻ của du khách có thể không được đảm bảo?
Khách sạn hình đoàn tàu đã được đưa vào hoạt động, đón khách từ tháng 7/2022 (ảnh cắt từ clip). |
Khách sạn hình đoàn tàu, khu lưu trú tập thể hình quả cầu xây dựng ở vị trí sườn đồi được chuyên gia đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn cả về tính pháp lý, kiến trúc và kỹ thuật thi công. |
Tuy nhiên hiện nay, một số thông tin phản ánh cho biết, hạng mục khách sạn hình đoàn tàu của dự án chưa được cấp phép, nhưng đã được xây dựng và đưa vào khai thác? Đề nghị UBND huyện Mộc Châu làm rõ?
Theo TS.KTS Trương Ngọc Lân – Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội): Về cảnh quan của khách sạn hình đoàn tàu thì có phần chưa ổn vì cách xử lý địa hình cắt xẻ taluy để lấy mặt bằng xây dựng chưa khéo léo nên làm trơ nhiều mảng đất, mất màu xanh của rừng núi, ngoài ra phần xây bệ bê tông ở đầu tàu còn thô, tương phản với bối cảnh. Phần xử lý cảnh quan sau khi xây dựng còn sơ sài, hầu như chưa có gì.
Khu lưu trú tập thể (cộng đồng) nằm trong quần thể công trình của khu du lịch. |
Cũng theo TS.KTS Trương Ngọc Lân thì khi xây ở vùng đồi núi dốc cần có khảo sát địa hình, địa chất nhằm chọn vị trí phù hợp, an toàn, tránh xây vào vùng dễ sạt lở. Nếu bắt buộc phải xây ở vị trí có nguy cơ sạt lở thì dựa trên kết quả khảo sát địa hình, địa chất người ta sẽ phải tính toán các biện pháp đảm bảo an toàn như xử lý kè, taluy, hệ thống thu, thoát nước, cả kết cấu của công trình nữa. Thậm chí cả vấn đề trồng cây xanh để giữ đất, giữ nước, tránh để đồi trọc dễ sạt lở hơn.
Nhìn từ trên cao thấy rằng, nhiều khu vực sườn đồi có độ dốc cao, dễ sạt lở nhưng chưa được kè, đặt ra vấn đề an toàn cho du khách… |
Cũng theo TS.KTS Trương Ngọc Lân cho rằng, theo Luật Xây dựng năm 2014 và Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng thì công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt hoặc nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thì không phải xin phép. Trường hợp là khách sạn, cơ sở kinh doanh xây dựng kiên cố trong dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, không phải nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thì phải xin phép. Mặt khác, các công trình kinh doanh khách sạn thì còn phải thẩm định về phòng chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, kết nối hạ tầng kỹ thuật, các nội dung cần thiết khác và phải được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu trước khi bàn giao, đưa vào sử dụng, chứ không đơn giản…
Nhà hàng tre được quảng cáo là Nhà hàng tre lớn nhất Việt Nam. |
Hệ thống cáp trượt Zipline tốc độ cao cần phải đáp ứng quy trình, thủ tục, kỹ thuật khắt khe nhất đảm bảo an toàn cho du khách. |
Trượt Zipline (ảnh minh hoạ). |
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại dự án có rất nhiều công trình được xây dựng kiên cố, hiện đại, hoành tráng trên khu đất của dự án này, đó là hệ thống đường giao thông, hệ thống nhà đón tiếp, nhà điều hành, nhà hàng tre, khu vực bãi đỗ xe, nhà vui chơi trẻ em, khách sạn, khu trượt khô, hệ thống cáp trượt trên không, thuỷ điện…
Hiện nay đang là mùa mưa bão, trong khoảng 2-3 tháng trở lại đây, Việt Nam liên tục hứng chịu những cơn mưa bão, áp thấp dẫn tới mưa to kéo dài gây ngập úng ở các thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và gây sạt lở ở các vùng cao, vùng đồi núi nhất là khu vực đồi núi đất dễ sạt lở. Chúng ta hẳn chưa thể quên vụ sạt lở đất đồi ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị tháng 10/2020 đã khiến 22 chiến sỹ của Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh, và nhiều người dân khác thiệt mạng.
Để khách quan thông tin, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ đặt lịch tại UBND huyện Mộc Châu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồi âm. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho du khách, đề nghị UBND tỉnh Sơn La, UBND huyện Mộc Châu khẩn trương chỉ đạo, rà soát toàn bộ Khu du lịch Mộc Châu Island tại xã Mường Sang và xã Chiềng Hắc do Công ty cổ phần Du lịch 26 Mộc Châu là chủ đầu tư, đánh giá toàn diện những công trình, hạng mục đã và đang được xây dựng trong dự án. Đặc biệt, đối với những công trình, hạng mục chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, chưa được cấp phép, chưa được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu hoặc các công trình, hạng mục xây dựng cạnh sườn đồi nguy cơ sạt lở cao như khách sạn, khu cắm trại… Nếu cần thiết, yêu cầu chủ đầu tư dừng hoạt động kinh doanh, đón khách, lưu trú tại các công trình chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý, chưa được cấp phép hoặc chưa đảm bảo các điều kiện để nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng (nếu có) nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, người lao động trong dự án.