Một năm sau cuộc "tháo chạy" chưa từng có ở TPHCM

Trong "cơn bão" Covid-19 diễn ra 1 năm trước đó, những người lao động buộc phải chọn cách "đi bộ" để vượt qua. Họ mò mẫm, không có sự chuẩn bị trước, cũng không có phương tiện nào tối ưu để đối mặt với biến cố đột ngột.

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, hoạt động kinh tế, an sinh xã hội… Trong đó, TPHCM là tâm dịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Dưới tác động của Covid-19, đầu tàu kinh tế của cả nước lần đầu tiên có mức tăng trưởng âm, gần 120.000 doanh nghiệp đăng ký rút khỏi thị trường, 50.000 doanh nghiệp phá sản và hơn 292.000 lao động lũ lượt "tháo chạy" khỏi nơi đã từng gắn bó, sinh sống.

***

"Chắn chắn phải về quê. Ở lại gia đình chị sẽ đói…" - Mộng Tý (34 tuổi, ngụ Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) sụt sùi nhớ về buổi sáng tháng 10/2021, khi một mình chị đạp xe, cắp nách theo đứa con nhỏ, hòa vào dòng người đổ về miền Tây. Trên con đường trở về ấy, lực lượng chức năng liên tục khuyên nhủ người dân quay lại phòng trọ. Thế nhưng, chị vẫn nhất nhất: "Có đi bộ em cũng về…".

Còn ở một nơi khác tại huyện đảo Cần Giờ, vào buổi sáng đầu tiên của tháng 10, khi thông tin kết thúc Chỉ thị 16 vừa được công bố, anh Vũ Tiến Lực (37 tuổi, Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch Thanh Xuân) lập tức bắt tay vào việc cải tạo 5.000m2 đất, thành lập một mô hình du lịch mới… sau khi công ty phá sản.

Cũng hôm ấy, ngôi nhà 3 tầng ở "phố Tây" Bùi Viện của đại gia đình ông Nguyễn Hoài Sang (61 tuổi, tiểu thương) vẫn đóng chặt cửa. 6 người, 2 thế hệ nhà ông đã gắn bó với nghề buôn bán quán nhậu ở phố Tây Bùi Viện hơn 6 năm. Thế nhưng, 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM đã khiến cuộc đời họ thay đổi hoàn toàn.

Mộng Tý, Tiến Lực, ông Nguyễn Hoài Sang - 3 con người khác nhau, làm ở các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế khác nhau, trong cùng ngày 1/10/2021 - khi TPHCM bắt đầu "bình thường mới", họ buộc phải đưa ra những lựa chọn để tiếp tục cuộc sống mưu sinh. 

Một năm sau cuộc tháo chạy chưa từng có ở TPHCM - 1

Một lao động nhập cư quyết định không bao giờ trở lại thành phố; một ông chủ doanh nghiệp nhanh chóng đón đầu cơ hội kinh doanh và lội ngược dòng ngoạn mục; một tiểu thương Sài Gòn vẫn đợi chờ sự may rủi của tương lai…  

Một năm sau cuộc tháo chạy chưa từng có ở TPHCM - 3

Một chiều sau Tết Nguyên đán 2021, người hàng xóm sang chơi nhà, khuyên Mộng Tý: "Lên Sài Gòn đi. Ở đó dễ tìm việc, khỏi phải nách con đi khắp nơi. Tội nó!" 

Ngày ấy, Tý mới ly dị chồng. Mỗi tháng, để có tiền nuôi 2 đứa con, chị phải bồng bế chúng ra đường bán vé số. Nhưng cuộc sống vẫn chẳng bao giờ đủ đầy.

Hết tuần, Tý nhờ người quen dắt mối rồi tất tả cùng mẹ lên thành phố. Ban đầu, chị xin chân công nhân trong công ty sản xuất bánh. Thế rồi, dịch Covid-19 bùng phát, công ty nhiều F0, Tý đành nhảy sang một xưởng sản xuất gỗ, chấp nhận mức lương vừa đủ trang trải.

"Làm hơn tháng, chị nhận 7 triệu đồng thì Sài Gòn đóng cửa, công ty cho nghỉ ngang. 4 tháng ấy ở trọ, 4 miệng ăn chỉ dựa vào số tiền ít ỏi và rau các nhà hảo tâm tặng. Đứa con nhỏ mấy tháng tuổi thèm sữa gào khóc cả ngày, chị không đủ tiền mua. Ám ảnh lắm!" - Mộng Tý nhớ lại.

Sang tháng 8, nhiều lao động trong dãy trọ đã đi cách ly tập trung khiến chị rùng mình. Đêm nào, Tý cũng tìm kiếm chuyến xe tình nguyện trên mạng xã hội, mong mỏi đưa gia đình về quê. "Luôn là hứa hẹn không kết quả. Đến đầu tháng 10, người ta dọn đồ đạc rời trọ gần hết. Họ mách chị cứ ra đường, kiểu gì cũng có xe rước".

Một năm sau cuộc tháo chạy chưa từng có ở TPHCM - 5

6 giờ sáng hôm sau, Tý đạp xe, cắp nách đứa nhỏ đến đúng địa điểm đã chỉ định. Thế nhưng, đợi cả ngày dài vẫn không có bất kỳ chuyến xe nào. Cuối cùng, chị đưa ra quyết định liều lĩnh: Một mình đạp xe về, tổng đoạn đường gần 250km, 2 mẹ con cùng vài bộ quần áo.

Suốt dọc Quốc lộ 1A, Mộng Tý bàng hoàng chứng kiến hàng chục nghìn cuộc "tháo chạy" khác như mình. Người phụ nữ thấy cảnh dòng người lái xe máy, quần áo, mền mùng chất cao như núi, có người đạp xe, vạ vật ngủ giữa đường, thậm chí nhiều gia đình còn đi bộ dưới cái nắng thiêu đốt… Nhưng mặc lực lượng chức năng khuyên can, bước chân họ vẫn không ngừng tiến về phía trước.

"Đi vài đoạn thì trời mưa như trút, chị trú, cho con ăn rồi lại lên đường. Qua Long An, có anh trai thấy mẹ con chị tội nghiệp quá nên cho quá giang. May mắn vậy, chứ không chị không biết bao giờ mới tới nhà", chị kể.

Nửa năm sau khi thoát khỏi Sài Gòn, Mộng Tý quay về con đường bán vé số dạo. Nhiều lần, bạn bè rủ lên thành phố, chị vẫn lắc đầu: "Tiền ở quê không nhiều nhưng gạo, rau đều rẻ, sống được, chứ đi Sài Gòn bao giờ chị mới được gặp con?".

Một năm sau cuộc tháo chạy chưa từng có ở TPHCM - 7

Sang tháng 4/2022, Tý lên thành phố Long Xuyên (An Giang) tìm việc. Qua 1 tuần rải hồ sơ, chị nhận được thông báo trúng tuyển vào công ty giày da với mức lương cơ bản 3,7 triệu đồng. 

Đêm đó, Tý gọi về nhà báo tin. Phía bên kia đầu dây, 2 đứa con chị vẫn khóc: "Mẹ nói dối con! Mẹ nói đi một xíu rồi về, giờ mẹ đi luôn". 

Tý chỉ biết lặng im!

Một năm sau cuộc tháo chạy chưa từng có ở TPHCM - 9

"Trong suốt 10 năm làm nghề, tôi chưa từng trải qua biến cố nào lớn như thế! Hai năm dịch, tôi mất toàn bộ cơ ngơi. Nhưng thứ khiến tôi đau lòng nhất là bao nhiêu đồng đội từng ước mơ cùng mình xây dựng Cần Giờ thành điểm du lịch sinh thái, giờ họ phải thành shipper, phụ hồ, bán trái cây…" - anh Vũ Tiến Lực tâm sự.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Lực trở về Cần Giờ với một ước mơ tươi sáng: Xây dựng huyện đảo duy nhất của TPHCM thành một trung tâm dã ngoại sinh thái.

Thế nhưng, đến khi dịch Covid-19 nhen nhóm tại Việt Nam vào năm 2020, du lịch trở thành ngành chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất. Công ty không được phép hoạt động, nhân viên không có việc, du khách đồng loạt hủy tour… Anh Lực ví thời điểm đó, tất cả người làm du lịch như đều "ngồi tù".

Một năm sau cuộc tháo chạy chưa từng có ở TPHCM - 11

Thậm chí, để có tiền trang trải, anh Lực đã dùng website công ty làm phương tiện truyền thông để buôn bán đặc sản Cần Giờ. Hàng ngày, vị giám đốc không ngại ngần chạy xe đi chở hàng và giao từng chai mật dừa nước cho khách với mong mỏi thành phố sớm vượt qua đại dịch.

"Vốn là dân mê xe dịch, tôi từng stress nặng khi cả ngày quanh quẩn trong mảnh đất 100m2. Qua vài tháng cầm cự, công ty thua lỗ 2 tỷ đồng, tôi buồn nhưng phải chứng kiến đồng đội lần lượt ra đi vì mất hết của cải, công sức và tiền bạc", anh Lực hồi tưởng lại những ngày khó khăn.

Buổi sáng đầu tháng 10/2021, nhận thông tin đợt dịch thứ 4 tại TPHCM cơ bản đã được kiểm soát, anh Lực đã nghĩ đến sự "cần thiên nhiên" của người Sài Gòn sau nhiều tháng ròng bị "cầm chân" trong nhà.

"Lúc đó, mình không chắc dịch có bùng phát lần nữa hay không, nên cần phải có một mô hình giảm thiểu chi phí, đồng thời trong trường hợp xấu nhất vẫn sẽ trở thành điểm cách ly. Thế là tôi tập trung thực hiện kế hoạch tổ chức du lịch Camping và Glamping (hoạt động cắm trại ngoài trời-PV) kết hợp với chèo sup trên sông Sài Gòn. Nó đáp ứng cho du khách trở về thiên nhiên, mặt khác với diện tích 5.000m2, nơi này hoàn toàn có thể trở thành khu cách ly".

Một năm sau cuộc tháo chạy chưa từng có ở TPHCM - 13

Ngày 15/10/2021, Cần Giờ là địa phương đầu tiên ở TPHCM được phép mở du lịch. Nhanh chóng, mô hình của anh Lực tạo tiếng vang và thu hút rất nhiều đoàn khách Sài Gòn. 

Hiện nay, công ty của anh Lực đón trung bình 100 lượt khách/tuần, lợi nhuận mang lại tăng gấp 4 lần so với trước dịch Covid-19.

"Ngày trước, bố mẹ chưa bao giờ ủng hộ tôi tổ chức hoạt động trải nghiệm, thậm chí một thời gian tôi không thể nuôi sống gia đình. Nhưng bây giờ, tôi tự hào rằng đã chọn đúng con đường và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ" - anh Lực nói.

Một năm sau cuộc tháo chạy chưa từng có ở TPHCM - 15

22h đêm cuối tháng 6/2022 - khung giờ "vàng" đón khách du lịch ở "phố Tây" Bùi Viện đã sắp hết, nhưng những băng ghế ở tất cả hàng quán vẫn trống trải. Chèo kéo hơn 5 phút, gia đình ông Nguyễn Hoài Sang chỉ đón được thêm 2 người với 2 chai bia giá 60.000 đồng. Ông buồn bã vội cất ít bàn ghế và nghĩ rằng, đêm nay, gia đình sẽ đóng cửa sớm.

"Cho dân Bùi Viện buôn bán trở lại thì vui thật đó, nhưng để nói nhộn nhịp như xưa là chưa thể. Nhìn đèn nhạc xập xình vậy thôi, chứ hỏi thuê một lần 5 mặt tiền để mở quán mà đón có 20 khách thì lấy đâu ra tiền? Lỗ cả đấy!" - ông Sang cười.

Một năm sau cuộc tháo chạy chưa từng có ở TPHCM - 17

Ông Sang nhớ, thời điểm trước khi TPHCM quyết định thành lập phố đi bộ, con đường Bùi Viện, nơi gia đình ông định cư, rất bình thường. Cư dân chủ yếu hành nghề buôn bán quần áo, thức ăn nhẹ. Riêng ông Sang thì làm công nhân tại một công ty in ấn hơn 30 năm.

Đến tháng 7/2017, Phố đi bộ Bùi Viện chính thức khai trương đã mang hy vọng mới cho toàn bộ người dân. Cả gia đình ông Sang, 6 người đồng loạt nghỉ việc, trở về nhà để gầy dựng quán nhậu. Người chịu trách nhiệm bán bia lạnh, người bán đồ chiên, người nấu các món nướng và số tiền kiếm được sẽ chia đều ngay trong đêm.

Bà Hương (63 tuổi - chị ruột ông Sang) kể, thời điểm đó, Bùi Viện chính là trung tâm ăn chơi sầm uất nhất TPHCM. Mỗi ngôi nhà chỉ đặt vài chiếc ghế nhựa, loa kẹo kéo phát nhạc, thế nhưng, con đường suốt đêm luôn đông đúc như nêm.

Năm 2020, Bùi Viện buộc đóng cửa 2 tháng do Covid-19, gia đình ông Sang cố gắng gượng. Sau 30/4/2021, TPHCM tiếp tục ra chỉ thị giãn cách xã hội, ông Sang chỉ biết an ủi cả nhà. 

Sang tháng 8/2021, nhiều chủ quán bar, quán nhậu buộc phải dời đi và chuyển nhượng mặt bằng, một số nhà dân cố gắng duy trì bằng cách chuyển đổi mô hình sang buôn bán thực phẩm… Thế nhưng, sang tháng 12, thành phố vẫn chưa có ý định mở cửa con phố Bùi Viện, tất cả cư dân thấp thỏm không yên.

Đêm nào ngồi trong phòng, nhìn xuống dưới mặt đường từng rộn ràng ánh sáng giờ tối đen như mực, lòng bà Hương vô cùng buồn rầu. "Đó là lần đầu tiên suốt mấy mươi năm sống ở đây cô chứng kiến nó thê thảm thế! Gia đình cô đều sống dựa vào cái quán này, cả thời gian dài dịch bệnh, chi phí sinh hoạt phải rút dần tiền tiết kiệm…" - bà Hương kể.

Đầu năm 2022, tin tức "phố Tây" mở cửa trở lại lan truyền trên mạng xã hội, ai nấy đều phấn khởi. Từ những căn nhà đóng cửa, nhân viên đổ ra đường, lau chùi bàn ghế, tháo dỡ tấm biển cho thuê nhà,… 

Những hình ảnh ấy khiến ông Sang vui mừng. Thế nhưng, đến nay đã 3 tháng được hoạt động, trừ dịp cuối tuần, gia đình ông Sang vẫn phải đóng cửa quán sớm.

Trong dịch Covid-19, một vài thành viên lên tiếng đề nghị bán nhà, một phần vì lo ngại sức khỏe, một phần vì kinh tế không còn ổn định như xưa. Nhưng ông Sang vẫn chần chừ. 

"2 năm dịch chia cắt, Việt kiều không thể trở về nước nên dịp Tết Nguyên đán sắp tới là cơ hội rất lớn. Tôi nghĩ lúc đó, Bùi Viện có cơ hội hồi phục như xưa" - ông vừa cười vừa nói về hy vọng nhen nhóm trong lòng.

Một năm sau cuộc tháo chạy chưa từng có ở TPHCM - 19

Đại dịch Covid-19 ào tới như một cơn bão, càn quét qua mọi ngóc ngách, giai tầng, ngành nghề tại nơi nó đi qua. Bên cạnh sức khỏe, tính mạng người dân, những thiệt hại kinh tế là điều không thể tránh khỏi.

Với những chỉ số vĩ mô, TPHCM lần đầu tiên tăng trưởng âm 6,78% kể từ sau ngày thống nhất đất nước do ảnh hưởng của đại dịch, gần 300.000 người lao động rời thành phố bởi mất thu nhập, việc làm. Những nhân vật được chúng tôi tiếp cận như chị Mộng Tý, anh Lực, gia đình ông Sang chính là những mảnh ghép rõ nét nhất trong bức tranh kinh tế năm 2021 của TPHCM, và nhìn rộng ra là của cả nước.

Trong cơn bão Covid-19 diễn ra 1 năm trước đó, họ - những người lao động - buộc phải chọn cách "đi bộ" để vượt qua. Họ phải mò mẫm, không có sự chuẩn bị trước, cũng không có phương tiện nào tối ưu để vượt qua biến cố đột ngột.

Sau "cuộc tháo chạy lịch sử" khỏi cơn bão Covid-19 diễn ra một năm trước đó, họ đều có hướng đi của riêng mình và kết quả đạt được không giống nhau. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, niềm tin, sự hy vọng, khát khao về một cuộc sống tốt đẹp hơn vẫn là điểm chung của họ - những cuộc đời xa lạ. 

LỜI TÒA SOẠN:

Trong gần nửa năm (từ tháng 6 đến tháng 11/2021), đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 17.000 người dân sinh sống TPHCM, khiến 2.000 trẻ em mồ côi, hàng chục nghìn hộ gia đình chịu cảnh mất đi người thân thuộc…Nhưng những con số ấy chỉ diễn tả được một phần về sự tàn khốc mà dịch Covid-19 gây ra cho thành phố đông dân nhất cả nước.

Sau 1 năm gồng mình chống đợt dịch lớn nhất, lần đầu tiên từ sau ngày thống nhất đất nước, nền kinh tế của thành phố mang tên Bác tăng trưởng âm, tạo ra những làn sóng thất nghiệp, những dòng người "tháo chạy" khỏi nơi họ từng lựa chọn để gắn bó, sinh sống, lập nghiệp. Vết cứa sâu do đại dịch chưa từng có tiền lệ gây ra khiến TPHCM chắc chắn đã và sẽ mất thêm nhiều thời gian để chữa lành.

Cũng trong cuộc chiến khốc liệt ấy, bất kỳ ai cũng không thể cầm lòng trước hình ảnh những giao dịch triệu đô mỗi ngày của Sài Gòn hoa lệ, được thay bằng những bữa cơm nghĩa tình, phiên chợ không đồng. Chúng ta cũng không thể quên hàng triệu "người hùng không tên" từ mọi miền Tổ quốc về miền Nam để chia lửa, cứu trợ, sẵn sàng hy sinh vì 2 chữ: "ĐỒNG BÀO".

Khoảng thời gian đau thương do Covid-19 đã qua đi, nhưng những câu chuyện, ký ức về nỗi đau và tình người vẫn còn mãi. Khi vết thương do đại dịch dần nguôi ngoai, cũng là lúc chúng ta - những người ở lại - cùng nhau nhớ về những ngày TPHCM trọng thương.

Một năm sau đại dịch Covid-19 hoành hành, Báo điện tử Dân trí xin được giới thiệu với Quý độc giả tuyến bài "MỘT NĂM NHÌN LẠI KÝ ỨC ĐẠI DỊCH COVID-19".

Chúng tôi xin được kể lại những câu chuyện về sự mất mát, bi thương, nhưng chứa đầy hy vọng và ẩn sâu trong đó là tình người vẫn luôn hiện hữu.