Ảnh minh họa
Chỉ hơn một tuần sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức đặt tên biến thể của virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện gần đây là Omicron và xác định đây là một biến thể đáng lo ngại, biến thể này đã được phát hiện ở 44 quốc gia trên toàn cầu. Một số báo cáo mới đây ở Nam Phi đã cung cấp những thông tin ban đầu về biến thể mới này.
Hồ sơ bệnh nhân được các nhà nghiên cứu ở Tshwane, Nam Phi - “tâm chấn” của đợt bùng phát biến thể Omicron, xem xét cho thấy biến thể mới này có thể gây bệnh COVID-19 ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy Omicron làm tăng tỉ lệ tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cụ thể, Hội đồng Nghiên cứu y khoa Nam Phi (SAMRC) đã tiến hành nghiên cứu các bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện ở Tshwane trong 2 tuần đầu tiên ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron. Các chuyên gia quan sát thấy phần lớn bệnh nhân không cần hỗ trợ thở máy. Có rất ít bệnh nhân cần bổ sung oxy và đây là điểm khác biệt rõ rệt so với những gì được ghi nhận ở bệnh viện trong các đợt bùng phát dịch COVID-19 trước đây. Đáng chú ý là hầu hết bệnh nhân này ban đầu nhập viện vì các lý do sức khỏe khác và xét nghiệm định kỳ đã phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2. Báo cáo viết: “Đây là điều chưa từng thấy trong các đợt dịch trước”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh thực tế rằng hầu hết các ca mắc COVID-19 phải nhập viện ở Tshwane là những người trẻ tuổi. Theo đó, 80% số ca mắc COVID-19 phải nhập viện trong 2 tuần qua là người dưới 50 tuổi. Bác sĩ Fareed Abdullah, tác giả báo cáo, suy đoán tỉ lệ dương tính cao hơn ở những người trẻ tuổi có thể là một dấu hiệu cho thấy vaccine đang phát huy hiệu quả chống lại Omicron. Ông lưu ý rằng 57% những người trên 50 tuổi ở Tshwane đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong khi tỉ lệ này ở những người dưới 50 tuổi chỉ là 34%. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu lưu ý đây chỉ là những tín hiệu ban đầu, các số liệu có thể thay đổi và vẫn cần phải tìm hiểu thêm về tác động và khả năng kháng vaccine của biến thể Omicron.
Trong suốt tháng 10, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu nhận thấy sự thay đổi trong dữ liệu. Các ca tái nhiễm tăng nhanh ở một số khu vực của Nam Phi. Khi biến thể Omicron được xác định gần đây, các nhà nghiên cứu đã nhanh chóng cập nhật nghiên cứu của họ để đưa vào dữ liệu cho đến cuối tháng 11. Dữ liệu mới này vẽ nên một bức tranh rất khác so với những phát hiện ban đầu, cho thấy Omicron có thể hoạt động khác với các biến thể Beta và Delta xuất hiện trước đó. Sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 trong suốt tháng 10 và tháng 11 cũng trùng hợp với thời điểm xuất hiện của Omicron.
Nhà nghiên cứu Francois Balloux thuộc Đại học College London (Anh), đánh giá rằng việc nghiên cứu sự tái nhiễm là bước đi kịp thời. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng nghiên cứu không đưa ra dấu hiệu nào về mối quan hệ giữa Omicron và hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, nghiên cứu không xem xét mức độ nghiêm trọng của bệnh ở những người tái nhiễm.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Bill Hanage của Đại học Harvard (Mỹ) nhấn mạnh rằng còn quá sớm để xác định biến thể Omicron có thể gây tác động như thế nào. Dù không ngạc nhiên khi Omicron có thể dẫn đến tỉ lệ tái nhiễm cao hơn nhưng ông Hanage cho rằng vẫn cần thêm thời gian để tìm hiểu và xác định mức độ nghiêm trọng mà biến thể này gây ra đối với con người.
Trong tháng 11 vừa qua, số ca mắc COVID-19 đã tăng mạnh tại một số vùng của Nam Phi, báo hiệu làn sóng dịch bệnh thứ 4 do biến thể Omicron. Nhiều quốc gia sau đó đã lần lượt phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron. Tại Singapore, Bộ Y tế nước này cho biết phần lớn các nhiễm đều có triệu chứng nhẹ và cho đến nay chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào.