Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh), hiệu quả của vaccine Covid-19 do hãng dược Pfizer và BioNTech phát triển giảm nhanh hơn so vaccine do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển trước biến thể Delta.
Được đăng tải trên tờ Independent và một số ấn phẩm khác, kết quả nghiên cứu này được công bố trong bối cảnh nhiều quốc gia sớm tiêm vaccine của Pfizer như Mỹ và Israel tuyên bố chuẩn bị tiêm mũi vaccine thứ ba cho những người đã tiêm đầy đủ hai mũi - còn gọi là mũi nhắc lại.
Thời gian gần đây, cả Mỹ và Israel - hai quốc gia nằm trong nhóm có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới - đều chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Do đó, cả hai kỳ vọng mũi nhắc lại sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch ở những người đã tiêm vaccine.
Theo nghiên cứu trên, vaccine của Pfizer có hiệu quả 90% trong việc chống lây nhiễm với tải lượng virus cao một tháng sau khi tiêm mũi thứ 2. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống còn 85% sau hai tháng và 78% sau ba tháng - tức giảm 12 điểm phần trăm so với hiệu quả ban đầu. Trong khi đó, hiệu quả của vaccine AstraZeneca chỉ giảm 6 điểm phần trăm, từ 67% xuống còn 61% trong cùng khoảng thời gian.
Mặc dù thực tế là vaccine của AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ ban đầu thấp hơn nhiều so với vaccine của Pfizer, các nhà nghiên cứu cho biết hiệu quả của hai loại vaccine là tương đương nhau sau khoảng 5 tháng tiêm đầy đủ hai liều.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford nhấn mạnh rằng, dù hiệu quả chung của cả hai loại vaccine đều giảm trước biến thể Delta, cả vaccine của Pfizer và AstraZeneca vẫn đạt hiệu quả cao trong việc ngăn chặn tình trạng bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong do Covid-19.
“Kể cả khi khả năng bảo vệ chống lại virus giảm, cần lưu ý là hiệu quả tổng thể của vaccine vẫn ở mức rất cao bởi các vaccine này đã khởi điểm ở mức hiệu quả cao rồi”, Tiến sĩ Koen Pouwels, nhà nghiên cứu cấp cao tại Khoa Y tế Cộng đồng Nuffield thuộc Đại học Oxford, cho biết.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người bị nhiễm biến thể Delta sau mũi tiêm thứ hai vẫn có khả năng cao lây virus sang người chưa tiêm vaccine.
Theo Giáo sư về thống kê y tế Sarah Walker của Đại học Oxfoxd, cũng là điều tra viên nghiên cứu trưởng, hiện chưa có nhiều thông tin về “mức độ lây truyền có thể xảy ra từ những người nhiễm biến thể Delta sau khi tiêm vaccine đầy đủ”.
“Tuy nhiên, việc những người nhiễm Covid-19 dù đã tiêm vaccine có tải lượng virus cao cho thấy thực tế rằng những người chưa tiêm vaccine không được bảo vệ trước biến thể Delta. Đó là lý do cần phải tiêm vaccine cho càng nhiều người càng tốt, ở cả Anh và trên toàn thế giới”, bà Walker cho biết.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng nhóm người trẻ tuổi (18-34) được vaccine bảo vệ tốt hơn so với nhóm từ 35-64 tuổi.
“Nhìn chung, nghiên cứu này rất tuyệt vời bởi nó cho thấy dù biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cho người đã tiêm vaccine cao hơn so với các biến thể trước, nhưng các loại vaccine vẫn đang hoạt động cực tốt”, Alexander Edwards, Phó giáo sư, Tiến sĩ thuộc Đại học Reading (Anh), người không tham gia vào nghiên cứu, nhận xét. “Có những khác biệt nhỏ giữa các loại vaccine và hiệu quả của một số loại thay đổi theo thời gian, nhưng chúng đều hoạt động tốt”.
Nghiên cứu trên được thực hiện với sự hợp tác của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) và Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội (DHSC) với dữ liệu về người tiêm chủng được lấy từ tháng 12/2020 đến tháng 8/2021 từ Khảo sát Lây nhiễm Covid-19. Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành phân tích mẫu xét nghiệm được lấy từ hơn 700.000 người tham gia trong giai đoạn trước và sau ngày 17/5/2021 - khi biến thể Delta trở nên phổ biến tại Anh. Hiện kết quả của nghiên cứu này (có quy mô lớn nhất thuộc loại này từ trước đến nay) vẫn chưa được thẩm định lại bởi các hội đồng chuyên gia trong ngành.