Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), tính đến tháng 5/2022, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 6,8% so với cuối năm ngoái. Để triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% từ gói ngân sách 40.000 tỷ đồng, ABBANK đã rà soát kế hoạch tín dụng và đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất là 572 tỷ đồng, tương đương quy mô 28.600 tỷ đồng dư nợ cho vay bình quân đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Muốn vậy, ngân hàng cần thêm room tín dụng thời gian tới.
Còn tại Eximbank được cấp hạn mức cho vay 10%. Đến nay, ngân hàng đã sử dụng hết 7%. Với hạn mức còn lại, Eximbank phải tính toán rất kỹ mới dám cho vay. Nhiều ngân hàng đã liên tục kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin được nới room.
Việc tín dụng tăng cao, giới hạn tín dụng sắp hết nên cần nới room tín dụng, nếu không sẽ khó triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh (Ảnh minh họa: KT)
Theo bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB, nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại. Ngân hàng MB kiến nghị NHNN nới thêm room tín dụng để có thể giảm lãi suất 2% cho khách hàng.
“Nhu cầu của doanh nghiệp, khách hàng cá nhân hiện nay đang tăng cao để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, chúng tôi kiến nghị trên các nguyên tắc, tiêu chí của NHNN xem xét, để các tổ chức tín dụng được mở room tín dụng, để có điều kiện phát triển thêm kinh tế, thực hiện tốt chương trình hỗ trợ lãi suất”, bà Phạm Thị Trung Hà nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, tín dụng tăng trưởng khá cao do nhiều nguyên nhân: Nền kinh tế bước đầu phục hồi, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. Tuy nhiên, tình hình giá cả cũng tăng cao, nhất là nguyên vật liệu đầu vào, khiến chi phí vốn của doanh nghiệp và ngân hàng đều tăng, gây áp lực lạm phát.
Việc tín dụng tăng cao, giới hạn tín dụng sắp hết nên cần nới room tín dụng vì nếu không sẽ khó triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, với áp lực lạm phát trên thế giới tăng cao, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, NHNN sẽ phải cân nhắc kỹ việc nới tăng trưởng tín dụng vì điều này có thể sẽ gia tăng áp lực lạm phát trong nước.
“NHNN sẽ điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng thương mại phù hợp, kịp thời, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng rà soát, xem xét, đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, có phương án kinh doanh”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Tại buổi họp báo sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022, đại diện NHNN cho biết, đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2022, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Trước đó, tính đến ngày 27/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,75% so với cuối năm 2021. Với việc tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại, đã có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các ngân hàng đã dùng hết hạn mức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp phản ánh nhu cầu vay vốn rất lớn và đã được chấp thuận cho vay nhưng lại không được giải ngân vì lý do ngân hàng hết hạn mức tín dụng. Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nêu quan điểm, mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 8,15% vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% mà Ngân hàng Nhà nước đề ra tại Chỉ thị 01 hồi đầu năm.
“Trong 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đều trên 20%. Nếu để tăng trưởng như kỳ vọng của họ thì rất dễ bị vượt qua khả năng quản trị của ngân hàng. Mặt khác, tín dụng tăng cao cũng áp lực lớn đến lạm phát và mặt bằng lãi suất. Nhiều ngân hàng vẫn còn room tín dụng, chỉ một số ít tổ chức tín dụng gần cạn room. Do đó, họ buộc phải có hành động mang tính phòng thủ, tức ưu tiên cấp tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên hoặc khoản vay có chất lượng cao. Đây là thời điểm tốt để các ngân hàng gạn đục khơi trong, cơ cấu lại chất lượng tín dụng”, ông Phạm Chí Quang cho hay.
Với việc gói hỗ trợ lãi suất được triển khai, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội tiếp cận được dòng vốn rẻ, qua đó đẩy mạnh sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, lãnh đạo một số doanh nghiệp cũng lo lắng về điều kiện để được hưởng cấp bù lãi suất gói hỗ trợ 2%. Hiện rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch đang vướng nợ xấu, nếu không được hạ chuẩn tín dụng thì những doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch sẽ khó có cơ hội tiếp cận.
Đại diện nhiều ngân hàng cũng cho hay, bản thân ngân hàng luôn xác định đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng nếu chính sách không rõ ràng thì ngân hàng sẽ không dám cho vay bởi sợ trách nhiệm sau này. Theo các chuyên gia, mục tiêu của chương trình cấp bù lãi suất là làm giảm chi phí tài chính cho những doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch, giúp phục hồi hoạt động kinh doanh, cho nên điều quan trọng nhất là phải đúng đối tượng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank khẳng định, tín dụng được cấp mới sẽ dành để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế: “Toàn bộ room tín dụng ngân hàng Nhà nước cho phép tăng thêm, ngân hàng sẽ dành cấp tín dụng cho những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế, phục vụ sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân”.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mục tiêu tăng trưởng 14% mang tính chất định hướng và Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế. Room tín dụng là công cụ điều hành hữu hiệu của Ngân hàng Nhà nước. Khi chưa áp dụng cơ chế này, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thường rất cao, dẫn đến hiện tượng mất khả năng thanh toán. Với bài học kinh nghiệm như thế, Ngân hàng Nhà nước phải đi song song, vừa quản trị các ngân hàng thương mại theo chuẩn mực quốc tế, vừa kiểm soát tăng trưởng tín dụng, giám sát từ sớm để đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại nằm trong tầm kiểm soát./.