Nhiều khu đô thị không xây trạm xử lý nước thải
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Đại biểu quận Hoàng Mai) đặt câu hỏi, theo Luật Bảo vệ môi trường, thông tư hướng dẫn có quy định các khu đô thị, khu dân cư tập trung phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường bao gồm hệ thống cấp thoát nước, xử lý thu gom nước thải đồng bộ.
Tuy nhiên, trong quy hoạch chi tiết, tại nhiều KĐT không có quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải riêng biệt. Ví dụ tại các dự án Mỹ Đình I, Trung Hòa Nhân Chính, Làng Quốc tế Thăng Long, Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Văn Quán, Yên Phúc, Xa La... Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm rõ nguyên nhân vấn đề nêu trên, quan điểm của Sở tham mưu UBND TP về việc xử lý nội dung này.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (hơn 16.000 tỷ đồng), dự kiến được bàn giao vào quý 2 năm 2022 nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ.
Ngoài ra, các khu đô thị đều đã có quy hoạch, thiết kế trạm xử lý nước thải, tuy nhiên còn thiếu hoặc đã đầu tư nhưng chưa đạt được hiệu quả. Bên cạnh đó, pháp luật về môi trường đã quy định nước thải phải được xử lý trước khi xả ra môi trường, với việc các trạm xử lý chưa được đầu tư, nước thải tại các khu đô thị hiện vẫn xả thẳng ra môi trường, TP có phương án gì để xử lý.
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Lê Anh Quân cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, Nghị định 29 về giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình, dự án đầu tư của các nguồn vốn theo quy định thì có rất nhiều chủ thể tham gia giám sát. Nội dung thu gom, xử lý nước thải trong đầu tư các khu đô thị là một nội dung kiểm tra chuyên ngành của TP liên quan đến các đến lĩnh vực môi trường. Ông Quân cho biết: "Để khắc phục 266 dự án, trong đó có 10 dự án khu đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải mà đại biểu nêu thì chúng tôi cũng đã tham mưu dự thảo một kế hoạch để tham mưu TP thực hiện việc kiểm tra, giám sát, phân loại các cái dự án này từ những giám sát trước của HĐND, chúng tôi đang trình TP để ban hành".
Còn theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh, về vấn đề trạm xử lý rác thải, theo kế hoạch từ năm 2014 quy định các khu đô thị đều phải có khu xử lý rác cục bộ trước khi đưa ra mạng lưới. "Vì quy hoạch chúng ta quá rộng lớn, có khu vực có nhưng cũng có nơi không nên quy định chủ đầu tư cần quy hoạch chi tiết để xử lý cục bộ cho khu vực đấy. Về cơ bản, chủ đầu tư cần bố trí trạm xử lý xác thải tập trung rồi mới đến giai đoạn xử lý cục bộ", ông Trúc Anh nói. Đơn cử, tại khu đô thị Tứ Hiệp - Pháp Vân hiện nay, công tác xử lý trạm rác thải thiếu trạm xử lý nước thải cục bộ, còn khu đô thị Yên Xá, Yên Sở có khá hơn. Tới đây, Sở Kế hoạch - Kiến trúc sẽ tiến hành đẩy mạnh trạm xử lý rác thải giai đoạn xử lý cục bộ. Tuy nhiên công tác này lại phụ thuộc vào công tác tài chính, vì vậy rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành. Riêng đối với khu đô thị Văn Phú, trạm xử lý rác thải là trách nhiệm của chủ đầu tư nên đề nghị chủ đầu tư tuân thủ đúng luật, tiến hành rà soát lại để nâng cấp theo quy hoạch. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các trạm tuân thủ theo quy hoạch, tắc đâu tìm phương án tháo gỡ ở đó, đồng thời lãnh đạo các cấp ủy ban cũng phải có phương án cụ thể.
Phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép
Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Trọng Thái cho biết, năm 2022 phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép, số tiền xử phạt 4 tỷ đồng. Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng cho biết tồn tại một số nguyên nhân chủ yếu là theo quy hoạch cấp nước của TP, các khu đô thị sẽ không xây dựng trạm xử lý thải phân tán, sẽ đấu nối vào đầu mối thu gom thoát nước thải và các hệ thống xử lý nước thải tập trung của TP. Ngoài ra, một số khu đô thị đã tồn tại từ lâu nên thiếu quy hoạch cho việc bố trí trạm xử lý nước thải trong khu đô thị. Vấn đề này dẫn đến khó khắc phục xử lý hiện trạng xử lý nước thải theo quy định. Bên cạnh đó, một số khu đô thị, chủ đầu tư đã hoàn tất xây dựng hạ tầng và đã bàn giao cho người dân, nên việc bố trí kinh phí phát sinh cho việc xử lý nước thải khó thực hiện, do không có trong kế hoạch sử dụng vốn dự án ban đầu. Nguyên nhân khác là do khó khăn giải phóng mặt bằng triển khai theo tiến độ từng giai đoạn dự án, một phần dự án đã được bàn giao cho chủ đầu tư khác. Vì vậy, có một số giải pháp tạm thời xử lý từng cụm dự án thành dự án riêng lẻ, sau đó mới hoàn tất hạ tầng toàn bộ khu đô thị xây dựng dự án theo kế hoạch tập trung.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng cho biết, từ thời điểm quy hoạch chung Thủ đô đến nay đã 11 năm, tính từ quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật thoát nước 725 cũng 9 năm nay. Qua 2 nhiệm kỳ, cũng là 2 thời kỳ thi công, đánh giá tổng quan đến nay triển khai quy hoạch cấp thoát nước Thủ đô còn nhiều hạn chế. Theo quy hoạch này, đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phạm vi quy hoạch thoát nước thải của chúng ta là khu đô thị trung tâm TP Hà Nội, các đô thị vệ tinh tương đương cấp đô thị loại 3. Và hệ thống nước thải khu vực đô thị TP để thu gom xử lý theo 39 khu vực gồm 41 nhà máy với công suất đến năm 2030 phải đạt được là 1.880.300m3/ngày đêm và đến năm 2050 phải đạt 2.482.500m3/ngày đêm.
Hiện trạng hiện nay còn hạn chế. Trên địa bàn TP hiện có 6 nhà máy, 6 trạm xử lý nước thải được đầu tư và đưa vào sử dụng, tập trung ở vùng đô thị trung tâm phía Bắc và phía Nam sông Hồng. Công suất tính toán đạt 276.300m3/ngày đêm, chiếm 28,8%. Gần đây đã tăng thêm 9.000m3/ngày đêm, đạt 29,1%. Bên cạnh đó, có một nhà máy cực kỳ quan trọng sử dụng vốn ODA là nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Dự án này cũng chậm tiến độ, đáng lẽ ra phải xong năm 2022, nhưng chủ yếu mắc ở gói số 2, số 3 làm chậm tiến độ so với mạng lưới thu gom.
Còn nhà máy trung tâm xử lý nước thải cơ bản đáp ứng. Nhưng nhà máy xong mà mạng lưới xử lý nước thải chưa hoàn thành thì chưa có nguồn để xử lý.