Phân tích tình trạng nợ tăng dần đều của 'vua trái phiếu' CII

22/09/2021 20:57

'Vua trái phiếu' CII tiếp tục khẳng định 'ngôi vị' của mình bằng những đợt phát hành mới khiến thị trường không khỏi thán phục bởi khả năng bán trái phiếu tài tình của doanh nghiệp này, bất kể tỷ lệ nợ đang cao dần đều.

CII đầu tư nhiều vào lĩnh vực bất động sản và hạ tầng giao thông. Ảnh. T.L.

Cuộc chơi với trái phiếu không bảo đảm

Câu chuyện bên trong là những động thái phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII, sàn HOSE) có thể coi là “vua trái phiếu” bởi số lượng và quy mô trái phiếu của doanh nghiệp này đến nay ít doanh nghiệp nào bì được.

Tính đến thời điểm giữa năm 2021, CII đang tổng cộng 14 loại trái phiếu, được phát hành trong nhiều thời điểm và quy mô khác nhau, chưa đến hạn thanh toán.

Trong khi đó, dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2021 của doanh nghiệp này đã đạt mức 4.427 tỷ đồng, tăng khoảng 34% so với thời điểm đầu năm.

Ngoài ra, công ty còn đang có 13.074 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn, tính cả 2 khoản vay tài chính ngắn hạn và dài hạn của CII là 17.501 tỷ đồng. Tổng số tiền vay tài chính của CII theo đó đã lớn gấp 2,25 lần so với vốn chủ sở hữu.

Quy mô nợ vay tài chính tuy đã khá lớn, nhưng CII tỏ ra vẫn khá kiên trì với giải pháp gọi vốn bằng trái phiếu. Trong đó, đợt phát hành đang được công ty này lên kế hoạch có tổng mệnh giá tối đa là 500 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản.

Việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo không phải là hiếm và các nhà đầu tư thì vẫn “vô tư” mua trái phiếu, bất kể những rủi ro phải đối mặt với loại trái phiếu không có bảm đảm này.

Theo tổng hợp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2021, có 490 đợt phát hành trái phiếu trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 308.517 tỷ đồng, trong đó có 476 đợt phát hành riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành là 296.933 tỷ đồng, 14 đợt phát hành ra công chúng giá trị 11.584 tỷ đồng (chiếm 3,754%) và 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài, tổng giá trị 1 tỷ USD. Tỷ trọng khối lượng phát hành ra công chúng giảm so với cùng kỳ năm 2020 (5,28%).

Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ 2, với tổng khối lượng phát hành 107,98 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Tỷ lệ nợ tăng dần đều

Quy mô vay tài chính lớn đã gây gia tăng áp lực lên chi phí lãi vay của CII. Diễn biến các khoản chi phí lãi vay của doanh nghiệp này cho thấy chu kỳ tăng liên tục trong các năm vừa qua.

Cụ thể, chi phí lãi vay của CII trong năm 2017 ở mức 526 tỷ đồng, nhưng đã tăng thêm hơn 20% trong năm 2018, tăng tiếp 15,3% trong năm 2019 và tăng 23,6% trong năm 2020. Tính từ năm 2017 đến 2020, chi phí lãi vay của “vua trái phiếu” CII đã tăng tới 71,3%.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, chi phí lãi vay của CII ghi nhận mức 557 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đáng chú ý là chi phí lãi vay của doanh nghiệp này tăng liên tục trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang giảm mạnh trong thời gian qua.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, từ năm 2020 đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm).

Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với cuối năm 2019).

Các con số chi phí lãi vay của CII được phân tích riêng với vay tài chính, trong khi đó nếu tính cả khoản nợ khác thì quy mô nợ cũng “tăng tốc” liên tục trong mấy năm vừa qua.

Tổng nợ phải trả tăng 11,3% trong năm 2018, năm 2019 tăng 41,7%, tăng 5,5% trong năm 2020 và tiếp tục tăng thêm 3,2% trong 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến giữa năm 2021, nợ phải trả của CII đã tăng tới 71,7%.

Trong khi quy mô nợ tăng liên tục thì quy mô vốn của công lại gần như không thay đổi đáng kể trong suốt mấy năm qua, vì thế tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã tăng từ 1,9 lần vào cuối năm 2017 lên 2,9 lần tại thời điểm giữa năm 2021.

Thực ra, tỷ lệ nợ của CII cũng không phải là cao nhất trong số những doanh nghiệp đang có kế hoạch phát hành thêm trái phiếu. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG, sàn HOSE) có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối tháng 6/2021 lên tới 5,76 lần.

Tuy nhiên, bức tranh tài chính của CII nếu bóc tách riêng tình hình tài chính của công ty mẹ thì có thể thấy công ty mẹ của CII đang gánh tỷ lệ nợ cũng khá “chóng mặt”. Theo báo cáo tài chính công ty mẹ CII 6 tháng đầu năm 2021, công ty có nợ phải trả 12.894 tỷ đồng, gấp gần 4,5 lần so với vốn chủ sở hữu cùng thời điểm.

Ngoài ra, CII cũng đang có biểu hiện phải lấy khoản nợ này đập cho khoản nợ kia, dùng tiền huy động khoản vay mới để trả nợ cho khoản vay mới.

Trong đợt phát hành 500 tỷ trái phiếu sắp diễn ra, doanh nghiệp này dự kiến dùng 265 tỷ đồng huy động được từ đợt phát hành để cơ cấu các khoản nợ của tổ chức phát hành, cụ thể là thanh toán gốc vay Ngân hàng VPBank.

Tại ngày 30/6/2021, VPBank có dư nợ cho vay ngắn hạn hơn 692 tỷ đồng và cho vay dài hạn 356 tỷ đồng tại CII.

Cơ cấu lãi vay của CII qua các năm (số cuối kỳ, tỷ đồng)

Khủng hoảng nợ của chùm bất động sản Evergrande

Mấy ngày gần đây, giới tài chính quốc tế xôn xao về sự kiện liên quan đến nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc là Evergrande.

Giới chức quản lý thị trường cảnh báo hệ thống tài chính Trung Quốc có thể đứng trước nguy cơ lớn hơn nếu công ty đang gánh khoản nợ lên tới 305 tỷ USD này phá sản.

Hiện tại, Evergrande đang chìm trong núi nợ có tổng trị giá hơn 300 tỷ USD, sau nhiều năm đi vay để tài trợ cho tốc độ tăng trưởng nhanh của mình.

Một nhóm nhà đầu tư đã tập trung tại sảnh của trụ sở Evergrande tại Thâm Quyến (Shenzen), để đòi thanh toán nợ và tất toán tài chính.

Sau đó, tập đoàn tuyên bố đã thuê các cố vấn tài chính để tìm “tất cả các giải pháp khả thi” nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng thanh khoản.

Bạn đang đọc bài viết "Phân tích tình trạng nợ tăng dần đều của 'vua trái phiếu' CII" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP - DOANH NHÂN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#