Chứng khoán Mỹ “đỏ” phiên thứ ba liên tiếp, giá dầu tăng trở lại

“Nếu lạm phát dai dẳng và nếu Fed giữ vững cuộc chiến chống lạm phát như họ đã tuyên bố, tôi cho rằng chúng ta sẽ rơi vào suy thoái. Kỳ vọng lợi nhuận sẽ giảm mạnh”...

wall-1663900425.jpeg Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

 

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (22/9), đánh dấu phiên trượt dốc thứ ba liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư phản ứng với động thái tăng lãi suất mạnh tay mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trái lại, giá dầu hồi phục nhờ mối lo về nguồn cung dầu Nga thắt chặt và thông tin về sự khởi sắc nhu cầu của Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, còn 3.757,99 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 107,1 điểm, tương đương giảm 0,3%, còn 30.076,68 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,4%, còn 11.066,81 điểm.

Cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ, tiếp tục là nhóm bị bán nhiều nhất trong phiên này. Đây là những cổ phiếu chịu áp lực giảm lớn hơn cả trong một môi trường lãi suất tăng như hiện nay.

Hôm thứ Tư, Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất lên cao hơn và trong thời gian lâu hơn so với kỳ vọng trước đó của thị trường. Những tín hiệu mới từ Fed gây ra biến động lớn trên gần như tất cả các thị trường từ trái phiếu, cổ phiếu, tiền tệ tới hàng hoá cơ bản, từ Mỹ tới châu Âu và châu Á.

“Đến một lúc nào đó, họ sẽ nhận thấy rằng suy thoái không có nghĩa là tận thế. Họ sẽ lại nghĩ tích cực về cổ phiếu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, họ đang phản ứng như thể trời sập vậy”.

Nhà tư vấn cấp cao Tim Lesko của Mariner Wealth Advisors

Từ trước tuyên bố của Fed, nỗi bất an đã hiện hữu khi một số công ty, gần đây nhất là hãng vận chuyển FedEx và hãng xe Ford, đưa ra cảnh báo về triể vọng lợi nhuận. Vào thời điểm ngày thứ Sáu, mức tăng trưởng lợi nhuận quý 3 ước tính của các công ty trong S&P 500 là 5% - theo dữ liệu từ Refinitiv. Nhưng sự tăng trưởng tập trung chủ yếu ở cổ phiếu năng lượng. Nếu không tính đến nhóm năng lượng, lợi nhuận giảm 1,7%.

Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn và những công ty tăng trưởng cao như Amazon, Tesla và Nvidia đồng loạt giảm từ 1-5,3% trong phiên này, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất 11 năm.

Các doanh nghiệp tăng trưởng cao, gồm các hãng công nghệ, có mức lợi nhuận dự phóng cao, mà lãi suất tăng lên sẽ gây sứt mẻ triển vọng lợi nhuận đó. Bởi vậy, đây thường là những cổ phiếu bị ảnh hưởng nhiều nhất khi lãi suất tăng lên. Năm nay, nhóm công nghệ trong S&P 500 đã giảm 28%, so với mức giảm 21,2% của chỉ số chính.

“Nếu lạm phát dai dẳng và nếu Fed giữ vững cuộc chiến chống lạm phát như họ đã tuyên bố, tôi cho rằng chúng ta sẽ rơi vào suy thoái. Kỳ vọng lợi nhuận sẽ giảm mạnh”, ông Mike Mullaney, Giám đốc phụ trách mảng thị trường toàn cầu của công ty Boston Partners, nhận định. “Nếu điều đó xảy ra, tôi tin chắc là S&P 500 sẽ phá mốc 3.636 điểm” - mức đáy thiết lập hồi giữa tháng 6 và là mức điểm thấp nhất của chỉ số này từ đầu năm đến nay.

Với phiên giảm này, Dow Jones đã giảm 2,4% từ đầu tuần. Cả S&P 500 và Nasdaq cũng mất điểm mạnh, tương ứng giảm 3% và 3,3%.

Thị trường châu Âu cũng “đỏ lửa” trong phiên ngày thứ Năm, sau khi một loạt ngân hàng trung ương châu Âu trong khu vực gồm của các nước Anh, Thuỵ Sỹ và Na Uy đồng loạt tăng mạnh lãi suất. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán khu vực giảm gần 1,8%; DAX của Đức mất hơn 1,8%; FTSE của Anh giảm gần 11,%; và CAC của Pháp tụt gần 1,9%.

Theo nhà tư vấn cấp cao Tim Lesko của công ty Mariner Wealth Advisors cho rằng đang có thêm nhiều nhà đầu tư bắt đầu chấp nhận rằng suy thoái kinh tế Mỹ sắp xảy ra. Theo quan điểm của ông, khi suy thoái thực sự đến, thị trường sẽ phản ứng khác đi.

“Đến một lúc nào đó, họ sẽ nhận thấy rằng suy thoái không có nghĩa là tận thế. Họ sẽ lại nghĩ tích cực về cổ phiếu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, họ đang phản ứng như thể trời sập vậy”, ông Lesko nói.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,63 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, chốt ở 90,46 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,55 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, đóng cửa ở mức 83,49 USD/thùng.

Giá dầu tăng nhờ mối lo về nguồn cung dầu Nga thắt lại, nhu cầu ở Trung Quốc cải thiện, và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất ít hơn dự báo.

Trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét áp trần giá dầu và siết chặt hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ cao lên Nga, cũng như tăng cường trừng phạt giới tinh hoa Nga. Ngoài ra, từ đầu tháng 12 sắp tới, lệnh cấm vận dầu Nga của EU sẽ chính thức có hiệu lực.

Nhu cầu dầu thô ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đang tăng trở lại sau một thời gian suy yếu vì các hạn chế chống Covid-19. Ngày 22/9, BOE tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm thay vì sử dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm như dự báo trước đó của thị trường, thay đó giúp nhà đầu tư giải toả tâm lý phần nào.

 

gia-dau-1663900679.png Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng.

 

Dù vậy, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do “cuộc đua” tăng lãi suất và xu hướng tăng giá dường như “bất bại” của đồng USD vẫn đang gây áp lực giảm giá lên “vàng đen”.

Sau động thái tăng lãi suất ngày 21/9 của Fed, một loạt ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng mạnh tay nâng theo, trong đó có các ngân hàng trung ương của Indonesia, Philippines và Nam Phi. “Điều này cho thấy chu kỳ thắt chặt hiện nay đồng bộ như thế nào”, một báo cáo của Deutsche Bank nhận định.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tiếp tục lập đỉnh mới của 20 năm ở mức hơn 111,8 điểm, gây áp lực lên giá các hàng hoá cơ bản.