Thị trường chứng khoán chờ 'giải khát' tín dụng

Phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ 2/9, giới đầu tư vẫn ngóng thông tin cụ thể hơn về việc Ngân hàng Nhà nước phân bổ hạn mức tín dụng còn lại của năm 2022, giải tỏa cơn khát vốn của nền kinh tế.
Thông tin nới room tín dụng được giới đầu tư chứng khoán trông đợi.

Thông tin nới room tín dụng được giới đầu tư chứng khoán trông đợi.

Thông tin được trông chờ

Liên tục hai tuần nay, tin đồn, kỳ vọng về nới room tín dụng cho từng ngân hàng vẫn được truyền tai nhau ở các room chat, diễn đàn đầu tư. “Nhóm A gồm MBB, HDB được room 5%; VPB, VCB được room 4%. Nhóm B gồm các ngân hàng còn lại được 1 - 3%, tùy từng ngân hàng”, thông tin chưa được xác nhận này tiếp tục được chia sẻ vào cuối phiên giao dịch 31/8/2022.

Việc cấp lại room tín dụng sẽ giải tỏa cơn khát vốn của cộng đồng doanh nghiệp nhiều tháng nay khi nhu cầu vốn để phục hồi sản xuất – kinh doanh tăng mà hầu hết các ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được phân bổ lần 1 từ tháng 3, 4, chỉ có thể cho vay ra nhỏ giọt khi thu hồi được nợ cũ.

Nhiều môi giới kỳ vọng, với việc thị trường đóng cửa trước nghỉ lễ vẫn tích cực nhờ sự dẫn dắt của nhóm điện, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… cộng với kỳ vọng thông tin nới room có thể sớm công bố chính thức sẽ tạo hiệu ứng tốt cho thị trường chứng khoán tuần này, đặc biệt với nhóm cổ phiếu ngân hàng.

“Nhóm ngân hàng hy vọng sang tuần có tin chính thức room tín dụng, khả năng sẽ bay”, một nhà đầu tư nhận định. Trần Phong, nhà đầu có kinh nghiệm giao dịch trên thị trường chia sẻ, trái với số đông còn đang bận thấp thỏm theo những thông tin, phát ngôn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và thị trường chứng khoán Mỹ, cá nhân anh lại phóng tầm nhìn theo hướng khác.

Tháng 9 là tháng cuối cùng của quý III, dự kiến sóng hồi tiếp diễn với xung lực và thanh khoản mạnh hơn tháng 8, dựa trên các luận điểm chính như thông tin Fed tăng lãi suất sẽ không còn bất ngờ, tác động tâm lý nếu có chỉ diễn ra trong phiên, hoặc quá lắm một phiên.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương của các nước châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản đang có xu hướng ôn hòa, thậm chí nới lỏng nhẹ chính sách tiền tệ (Trung Quốc hạ lãi suất, bơm gói kích thích 146 tỷ USD, trong khi Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng).

Điều đó có thể kỳ vọng Việt Nam phải lỏng tay trong điều hành chính sách tiền tệ để tránh gây áp lực lên tỷ giá, giảm năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu và sức hút với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Động thái đầu tiên là Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi quan điểm từ "không nới room tăng trưởng tín dụng" thành "nới room tăng trưởng tín dụng" ngay trong quý III.

Kỳ vọng của nhà đầu tư này là Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất cơ bản, “thay vì từ đầu quý IV/2022 thì sẽ sang cuối quý IV/2022, hoặc quý I/2023". Theo đó, doanh nghiệp, thị trường chứng khoán là các đối tượng hưởng lợi trực tiếp lẫn gián tiếp.

Song hành với đó là các thông tin như giao dịch T+2 (từ ngày 29/8/2022) giúp tăng thanh khoản của thị trường chứng khoán; các số liệu vĩ mô của tháng 8 dự kiến tích cực hơn tháng 6 và 7 và so với cùng kỳ năm 2021.

Bởi những lý do trên, nhà đầu tư này quyết định nâng tỷ trọng đầu cơ từ 30% NAV tháng 8, lên 50% NAV trong tháng 9.

Một nhà đầu tư lâu năm khác cũng có chung góc nhìn khi cho rằng, room tín dụng còn lại chỉ đâu đó 3%, nhưng có tác dụng tốt về mặt tâm lý cho nhà đầu tư, càng khẳng định vấn đề lạm phát của Việt Nam là không đáng ngại.

Kỳ vọng tạo hiệu ứng cho thị trường tháng 9

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, câu chuyện nới room sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong tháng 9, sau đó hiệu ứng không còn nhiều.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, “thị trường chỉ dựa vào nhóm cổ phiếu ngân hàng thì chưa đủ động lực để đi lên dài hơi”. Dư địa cho đà tăng của thị trường chứng khoán trong tháng 9 là phản ánh tiếp về GDP tăng trưởng cao, phản ánh câu chuyện cấp lại room tín dụng, kỳ vọng tăng lãi suất sẽ giảm dần thời gian tới, nhưng sang tháng 10 ít động lực hơn, chưa có nhiều cơ sở để kỳ vọng.

Nới room tín dụng sẽ giải tỏa được tâm lý cho thị trường chung.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam

“Nới room tín dụng sẽ giải tỏa được tâm lý cho thị trường chung, ít nhất “có tiền vào thêm vẫn là tốt hơn” như ý kiến nhiều nhà đầu tư đề cập. Đặc biệt, có cơ số doanh nghiệp chờ được giải ngân, giờ mở room thì tôi cho rằng sẽ hết ngay. Hồ sơ vay vốn của nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt sẵn sàng rồi, nên chỉ cần trong tháng 9, tháng 10 có khi hết room tín dụng của cả năm”, ông Ngọc nói.

Bởi vậy, ông Ngọc khẳng định, thị trường đang phản ánh các vấn đề trên, nhưng các cơ sở cho kỳ vọng dài hơn chưa xuất hiện, tâm lý thận trọng thực ra vẫn được nâng cao. Vấn đề nhen nhóm ở câu chuyện Fed tăng lãi suất (công bố 21/9/2022) chậm lại rất rõ nét từ năm 2023, nhưng quý IV/2022, áp lực dòng tiền của các doanh nghiệp cũng rất lớn, nên đây cũng là điểm mà nhà đầu tư e ngại. Cũng bởi thế, dòng tiền trên thị trường chứng khoán khó bứt phá.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank lại có góc nhìn lạc quan hơn. Theo đó, room tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước sắp cấp dự báo vào khoảng hơn 3% để duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã cam kết từ đầu năm là 14%, tương đương khoảng 450.000 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng một nửa so với số vốn được các ngân hàng giải ngân cho vay trong 8 tháng đầu năm (hơn 955.000 tỷ đồng), nhìn về quy mô là không lớn nhưng sẽ giúp nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng có thêm nguồn vốn để hoạt động.

Nhìn về tác động của việc mở lại room tín dụng đến thị trường chứng khoán, ông Thành cho rằng, hiện dòng tiền cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn. Nếu tạo được thay đổi tâm lý trong ngắn hạn thì room tín dụng là một phần, quan trọng hơn là việc sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp.

“Chúng ta nên kỳ vọng thêm ở thị trường trái phiếu, hiện có những chuyển biến tích cực hơn khi cơ quan điều hành đã lắng nghe ý kiến thành viên thị trường và điều chỉnh quy định. Khi quy định này chính thức được đưa ra và áp dụng, đây là một kênh dẫn vốn nữa cho các doanh nghiệp. Đặt hai động thái cụ thể này với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành qua Chỉ thị 13 vừa qua, có thể thấy Chính phủ và cơ quan quản lý vẫn có chính sách để hỗ trợ nền kinh tế phát triển, chính sách tiền tệ vẫn chưa phải là siết mà là hỗ trợ”, ông Thành nói.

Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế như gói kích thích kinh tế, đầu tư công sẽ lan tỏa rõ hơn trong hai quý cuối năm. Theo ông Thành, nếu nhìn ngắn hạn, room tín dụng có thể khiến nhà đầu tư thất vọng, nhưng thực tế kết quả kinh doanh vẫn sẽ tốt, vượt kỳ vọng. Khi đó, thị trường sẽ có niềm tin hơn về định hướng chính sách này.

“Quan trọng là khi niềm tin phục hồi thị trường sẽ tích cực”, ông Thành nói.

Ở góc độ ngành ngân hàng, vị chuyên gia cho rằng, việc có thêm room tín dụng sẽ giúp ngân hàng có thêm lợi nhuận. Đặt giả thiết ngành ngân hàng không tăng trưởng tín dụng thêm thì ngành này vẫn đảm bảo được tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 ở mức trên 30%.