Chỉ số S&P 500 trong phiên giao dịch ngày 20/5 đã có thời điểm rơi vào thị trường giá xuống. Vậy thị trường giá xuống là gì?
“Thị trường giá xuống (bear market)” là một thuật ngữ phổ biến trong giới đầu tư, dùng để miêu tả một giai đoạn giảm điểm kéo dài của thị trường. Về mặt kỹ thuật, nếu một chỉ số giảm ít nhất 20% so với đỉnh gần đây, chỉ số đó sẽ rơi vào thị trường giá xuống.
Nhà đầu tư thường sử dụng thuật ngữ này đối với các chỉ số chứng khoán lớn như S&P 500 và Dow Jones, nhưng nó cũng có thể được sử dụng với từng mã cổ phiếu riêng lẻ.
Theo đó, chỉ số Nasdaq đã rơi vào thị trường giá xuống. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát, quá trình siết chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và quan ngại suy thoái.
Chỉ số Nasdaq (Mỹ) đã rơi vào thị trường giá xuống. Ảnh: Nasdaq.com |
Mốc ranh giới 20% không mang quá nhiều ý nghĩa đặc biệt. Nó đơn giản chỉ là một biểu tượng và là một ngưỡng tâm lý đối với nhà đầu tư.
“Đó là một cách mô tả ngắn gọn mà mọi người hay sử dụng. Thuật ngữ này thường được dùng để miêu tả một giai đoạn khó khăn”, Charlie Fitzgerald III, Chiến lược gia tài chính tới từ Orlando, Florida, nói.
Ngược lại, “thị trường giá lên (bull market)” là một giai đoạn thị trường chứng khoán tăng điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ nhiều đã không ít lần rơi vào thị trường giá xuống. Kể từ Thế chiến II, đã có 9 lần chỉ số S&P 500 giảm từ 20% tới 40%, và 3 lần trên 40%, theo Guggenheim Investments. (Nghiên cứu này không bao gồm năm 2022).
Bình quân, thị trường chứng khoán sẽ cần 14 tháng (sau giai đoạn giảm 20-40%) và 58 tháng (sau giai đoạn giảm trên 40%) để phục hồi. Giai đoạn giá xuống gần nhất xảy ra vào tháng 2 và 3/2020, khi chỉ số S&P 500 giảm 34%. Tuy nhiên, chỉ số này sau đó đã hồi phục mạnh mẽ vào giữa tháng 8 cùng năm đó.
Rất khó để có thể dự báo đà giảm điểm lần này sẽ kéo dài bao lâu, Fitzgerald chia sẻ. “Cảm xúc con người là thứ rất khó để có thể đoán định”.