Thống nhất quy định về bảo hiểm vi mô trong dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Theo chương trình, chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là một trong những dự án Luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.
Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp sáng 26/5. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật này. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, do đó việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật, những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều, trong đó giảm 1 chương và 3 điều, đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cụ thể, dự thảo Luật tách chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài khỏi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm để bảo đảm rõ ràng, đúng nội hàm của quy định; bổ sung các quy định cụ thể hơn về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm vi mô, sản phẩm bảo hiểm nhằm phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và sản phẩm bảo hiểm liên kết với các sản phẩm bảo hiểm y tế do Nhà nước thực hiện; bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; tách tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thành một điều để bảo đảm rõ ràng; bổ sung điều kiện cấp phép đối với công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài để bảo đảm chặt chẽ hơn.

Dự thảo Luật cũng rà soát, hoàn chỉnh về hoạt động môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bỏ việc công nhận chứng chỉ môi giới bảo hiểm và chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm để giảm thiểu thủ tục hành chính; giới hạn lại đối tượng được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để nâng cao chất lượng hoạt động phụ trợ bảo hiểm và phân biệt rõ với các loại tư vấn khác của đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm; gộp Điều 111 về tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và Điều 114 về thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thành một điều quy định về tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô (Điều 124); bỏ quy định tại Điều 32 về số tiền bảo hiểm, phương thức xác định số tiền bảo hiểm và Điều 33 về căn cứ trả tiền bảo hiểm để trao quyền cho các bên tự thỏa thuận; giao Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục, chấm dứt, gia hạn, thu hồi, cấp lại Giấy phép cho văn phòng đại diện (như quy định hiện hành) để bảo đảm thống nhất với các quy định đối với doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm...

Liên quan đến nội dung bảo hiểm vi mô, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết, bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường. Bảo hiểm vi mô thường phát triển ở các nước đang phát triển và được coi là một cấu phần quan trọng trong chính sách tài chính toàn diện của quốc gia, góp phần thực hiện các chính sách an sinh, xã hội của Nhà nước. Việc quy định bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và có cơ chế để khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Việt Nam.

Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm kết cấu chung của dự thảo Luật cũng như tính khả thi, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Về hợp đồng bảo hiểm, ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Đây là một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại Chương này như: bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm… Để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, Thường trực Ủy ban Kinh tế phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật như quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết, thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm…

Trước đó, cho ý kiến về dự án Luật tại Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự án Luật cần xem xét đã tiếp cận với thông lệ quốc tế và các hiệp định, cam kết quốc tế, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho hoạt động của thị trường bảo hiểm hay chưa. "Cuộc sống mà không có bảo hiểm như đi cầu thang mà không có tay vịn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này rất nhanh nhưng còn thấp so với dư địa. Quan điểm của Đảng là luôn đẩy mạnh tốc độc tăng trưởng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, logistic và cần phù hợp với môi trường kinh doanh số", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm vừa phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, nhất là khi người mua bảo hiểm và người thụ hưởng là hai chủ thể khác nhau...