Trái phiếu lãi suất cao cũng không có sức hút
Thời gian qua, hoạt động huy động vốn qua phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp suy giảm rõ rệt. Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, các cơ quan chức năng đã kiểm soát chặt chẽ hơn việc phát hành cũng như giao dịch trái phiếu doanh nghiệp khiến hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh.
Tháng 4/2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh. Lượng trái phiếu phát hành thành công chủ yếu đến từ các ngân hàng với mức phát hành đạt 14.940 tỷ đồng (tương đương chiếm 90,7%), và không ghi nhận đợt phát hành nào đến từ các doanh nghiệp bất động sản...
Trong tháng 5/2021, chỉ có một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng thấp, như: CTCP Hội An Invest phát hành 4 đợt với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Mỹ Phú phát hành một đợt với giá trị 700 tỷ đồng trái phiếu; CTCP Bất động sản An Gia cũng phát hành 300 tỷ đồng,…
Đáng chú ý, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp công bố kết quả huy động vốn bất thành qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Điển hình như CTCP Tập đoàn Apec Group phát hành bất thành 2 mã trái phiếu là APGCH2225007 và APGCH2225008 có kỳ hạn 36 tháng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Trước đó, vào giữa tháng 12/2021, Apec Group đã phát hành thành công hơn 43,6 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 9/12/2026. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất được tính cố định 13%/năm và cứ ba tháng trả lãi một lần.
Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, bổ sung nguồn vốn cho công ty để đấu giá, mở rộng quỹ đất trên thị trường. Song song đó nhằm đầu tư phát triển các dự án bất động sản tiềm năng, tăng cơ hội đầu tư và M&A với các công ty tiềm năng, có quỹ đất tốt.
Doanh nghiệp này cũng từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 600 triệu đồng do có hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN. Bên cạnh số tiền phạt, Apec Group bị buộc thu hồi trái phiếu đã phát hành và trả tiền cho nhà đầu tư…
Đáng chú ý, Apec Group là một trong những doanh nghiệp thường xuyên phát hành trái phiếu với lãi suất cao bậc nhất thị trường. Doanh nghiệp này từng khiến nhà đầu tư “choáng váng” khi muốn huy động 3.000 tỷ đồng qua trái phiếu với mức lãi suất lên đến 18%/năm. Tuy nhiên, lô trái phiếu này sau đó cũng “ế ẩm”, chỉ huy động thành công 8,1 tỷ đồng.
Lãi suất các lô trái phiếu do Apec Group phát hành sau đó đã giảm đáng kể, xuống mức bình quân 13%/năm. Dù vậy, lãi suất trái phiếu Apec vẫn ở mức cao bậc nhất thị trường.
Nhiều lô trái phiếu “ế ẩm”
Một doanh nghiệp khác liên quan đến “hệ sinh thái” của Apec Group là CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (Mã CK: API) cũng vừa công bố phát hành không thành công mã trái phiếu là APIH2224001 có kỳ hạn 24 tháng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Về tình hình kinh doanh, API ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá mạnh trong năm 2021. Cụ thể, doanh thu thuần API đạt 1.168 tỷ đồng, tương đương mức tăng 138%. Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp tăng gần gấp 4 lần lên mức 202 tỷ đồng. Như vậy, API đã lập kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2021.
Tuy nhiên, nhìn vào dòng tiền kinh doanh của API âm 215 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ âm gần 66 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền đầu tư của doanh nghiệp cũng chuyển từ dương sang âm 25 tỷ đồng.
Quý 1 năm nay, doanh nghiệp tiếp tục công bố kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu đạt 294 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 48 tỷ đồng, tăng 183% so với cùng kỳ năm trước do ghi nhận doanh thu từ một số dự án bất động sản như: Royal Park Huế, Apec Wyndham Phú Yên.
Tương tự, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (Mã CK: IDJ) cũng phát hành bất thành lô trái phiếu IDJH2225001 có kỳ hạn 36 tháng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Đáng chú ý, trước đó vào cuối năm 2020 API cũng công bố phát hành không thành công lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Thời gian qua, IDJ là một trong những doanh nghiệp huy động vốn qua trái phiếu nhiều nhất trong Nhóm Apec Group. Đặc biệt vào năm 2020, IDJđã dồn dập phát hành trái phiếu và huy động thành công 340 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với những giao dịch liên quan đến trái piếu của IDJ, Apec Group cũng từng bị phạt tiền 90 triệu đồng vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu IDJ của Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam.
Cụ thể, ngày 25/11/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 806/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư BG Group (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn APEC Group).
Theo đó, DN này đã có các hành vi vi phạm hành chính: Không báo cáo về việc dự kiến giao dịch (Công ty cổ phần Đầu tư BG Group, tổ chức có liên quan của ông Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ) đã thực hiện giao dịch mua 1.660.300 cổ phiếu IDJ từ ngày 26/7/2019 đến ngày 15/8/2019 nhưng không báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc dự kiến giao dịch).
Một doanh nghiệp khác cũng thuộc Nhó Apec là CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (Mã CK: APS) mới đây cũng công bố huy động vốn bất thành qua mã trái phiếu APSH2223003 kỳ hạn 12 tháng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Đầu năm nay, APS đã phát hành 2 lô trái phiếu và huy động thành công 4,6 tỷ đồng. Cả 2 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 36 tháng, đều được phát hành vào ngày 12/1/2022, đáo hạn vào ngày 12/1/2025. Các thông tin khác về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, trái chủ của 2 lô trái phiếu cũng như bên thu xếp cho thương vụ không được doanh nghiệp công bố.
Một doanh nghiệp khác cũng vừa công bố thông tin huy động vốn qua trái phiếu bất thành là CTCP Sản Xuất và đầu tư Hoàng Gia, doanh nghiệp phát hành không thành công mã trái phiếu HGACH2224001 kỳ hạn 24 tháng, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Vì sao trái phiếu doanh nghiệp giảm sức hút?
Có thể thấy, sau sự kiện Tân Hoàng Minh và các động thái siết chặt của Chính phủ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian qua có đã tác động đến cả doanh nghiệp phát hành và tâm lý nhà đầu tư. SSI Research dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ kém sôi động hơn ít nhất trong quý II trước khi có các chính sách rõ ràng hơn từ Chính phủ.
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết, trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm ngoái, có 57 công ty kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 đơn vị có tỷ lệ đòn bẩy nợ hơn 10 lần, 10 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu gấp hơn 5 lần vốn chủ sở hữu.
Trong nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ khối lượng phát hành trên vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần, thậm chí vài chục lần. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro cho các nhà đầu tư.
Bộ Tài chính cho biết sắp tới sẽ quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khối lượng gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, "gây mất an toàn trong hoạt động, ảnh hưởng để khả năng thanh toán". Mỗi doanh nghiệp có thể chỉ được phát hành trái phiếu không quá ba lần vốn chủ sở hữu, nếu vượt trên một lần vốn chủ sở hữu thì phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.
Nếu xảy ra rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư chỉ còn cách "bám víu" vào tài sản đảm bảo của các đợt phát hành. So với ngân hàng hay các nhóm doanh nghiệp khác, nhóm bất động sản có tỷ lệ tài sản đảm bảo trong các đợt phát hành trái phiếu cao hơn. Cụ thể, gần 58% khối lượng trái phiếu nhóm này phát hành được đảm bảo bằng bất động sản hoặc dự án, gần 24% đảm bảo bằng cổ phiếu, gần 10% được đảm bảo bằng tài sản khác.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý cảnh báo rằng, những tài sản này vẫn chưa đủ để đảm bảo mức độ an toàn. "Tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Trường hợp thị trường khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu", Bộ Tài chính cảnh báo.
Ngoài các vấn đề nêu trên, còn một số rủi ro tiềm ẩn khác, theo Bộ Tài chính, là các công ty phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc phát hành để chuyển vốn "lòng vòng" nhằm lách quy định về giới hạn cho vay hoặc đầu tư của ngân hàng. Có hiện tượng một số tổ chức tư vấn xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp để huy động vốn mà không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho nhà đầu tư.
Để hạn chế rủi ro, Bộ Tài chính cũng cho biết đang xây dựng Nghị định sửa đổi về quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ. Quy định mới sẽ chặt chẽ hơn về điều kiện phát hành nhằm hạn chế việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, thu hẹp mục đích phát hành để tránh việc huy động vốn cho mục đích khác hoặc chuyển vốn lòng vòng.