Triển vọng giá dầu, vàng tuần 25 - 29/4

25/04/2022 11:41

Đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.

Kết thúc phiên giao dịch 22/4, giá dầu Brent trên sàn London giảm 2,13 USD, tương đương 1,97%, xuống còn 106,2 USD/thùng. Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 4,5%. Nếu như đà giảm tiếp tục kéo dài, tháng 4 này sẽ là tháng đầu tiên giá dầu Brent giảm so với tháng trước đó trong năm 2022. 

Giá dầu WTI giảm 2,04 USD, tương đương 1,97%, xuống còn 101,75 USD/thùng. Trong tuần qua, giá dầu WTI cũng giảm 4,5%. 

Trong tuần qua, các chính phủ cũng như thị trường luôn dõi theo những thông tin liên quan tới chiến lược zero Covid của Trung Quốc và tình hình phong tỏa tại thành phố Thượng Hải. 

Mối lo Trung Quốc một lần nữa bị “nhấn chìm” trong dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý thị trường dầu mỏ, cho dù những bất đồng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga trên vấn đề Ukraine khiến cho không ít người nhận định rằng giá dầu chỉ có thể đi lên. 

Giá dầu Brent và WTI đều giảm trong phiên giao dịch 22/4 vừa qua, khép lại tuần thứ 3 giá dầu thế giới đi xuống trong 4 tuần giao dịch gần nhất. Thị trường đang phản ứng lại với những lệnh phong tỏa trên diện rộng tại thành phố Thượng Hải, bên cạnh đó là triển vọng tăng trưởng không mấy khả quan của nền kinh tế toàn cầu. 

Theo dữ liệu được công bố mới đây, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8% trong quý đầu tiên của năm 2022, vượt qua dự báo của nhiều người. 

Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và một số ngân hàng, trong đó có UBS, Bank of America và Barclays, đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới trong năm 2022. 

Các chuyên gia kinh tế cho biết dù nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo trong quý I, nhiều vấn đề đã bắt đầu xuất hiện khi doanh số bán lẻ, một chỉ số quan trọng đo lường sức khỏe của nền kinh tế, đã giảm 3,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước đó. 

Nhưng điều khiến các chuyên gia phân tích lo lắng hơn cả đó chính là quyết tâm theo đuổi chiến lược chống dịch không khoan nhượng của ông Tập Cận Bình trong khi phần còn lại của thế giới đã bước vào kỷ nguyên “bình thường mới”. 

Hiện tại, theo báo cáo của Bloomberg, nhu cầu xăng, dầu diesel, và nhiên liệu hàng không của Trung Quốc trong tháng 4 có thể sẽ giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước. 

Điều này tương đương với sự sụt giảm tiêu thụ 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày và lần phong tỏa tại Thượng Hải này là cú sốc lớn nhất ảnh hưởng tới nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong hơn hai năm qua, từ thời điểm ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc. 

lynxnpei3l024-l74-5914-1650819443.jpg

Ảnh: Reuters. 

“Giá dầu WTI sẽ kiểm chứng ngưỡng MA50 phiên 100,4 USD một khi nó rơi xuống dưới 102 USD. Nếu giá dầu giảm thấp hơn ngưỡng trung bình trên, bên bán sẽ hướng về ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 99 USD/thùng, theo Sunil Kumar Dixit, giám đốc chiến lược kỹ thuật tại SK Charting. 

“Trong tuần tới, giá dầu có khả năng tiếp tục giảm do bất ổn thị trường”, Dixit cho biết. Ngưỡng hỗ trợ là 92,93 USD/thùng. Nếu thủng mốc này, giá dầu có thể rơi xuống ngưỡng 92 USD/thùng. 

Ở chiều ngược lại, nếu không thủng mốc 100,4 USD/thùng, giá dầu hoàn toàn có thể vươn lên các ngưỡng mục tiêu 103,8 USD/thùng và 105,4 USD/thùng. Dixit cho biết. 

Kim loại quý

Giá vàng, bạc, platinum và palladium hòa cùng xu hướng giảm điểm của nhiều hàng hóa khác trong phiên giao dịch 22/4, sau khi thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ. 

“Mỗi khi thị trường chứng khoán giảm điểm trước thông tin lãi suất tăng, bạn sẽ được chứng kiến một làn sóng bán tháo các kim loại quý”, theo Phillip Streible, chiến lược gia thị trường kim loại tại Blue LIne Futures. 

Giá vàng tương lai giao trong tháng 6 trên sàn Comex, New York giảm 15,7 USD, tương đương 0,8%, xuống còn 1.932,5 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giảm 2% sau khi vươn lên ngưỡng cao nhất 6 tuần trong ngày 18/4. 

Giá vàng giảm khi giá đồng USD tương lai chạm ngưỡng cao nhất 2 năm 101,34 USD trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng vươn lên ngưỡng cao nhất 3 năm. 

“Lạm phát tăng cao và môi trường kinh tế bất ổn thường là những yếu tố hỗ trợ đối với thị trường vàng, và tôi không kỳ vọng điều đó sẽ thay đổi. Một khi thị trường hấp thụ hết những tác động từ quá trình thắt chặt chính sách, khả năng vàng tăng mạnh là tương đối thấp”, theo Craig Erlam, chuyên gia phân tích tới từ nền tảng thương mại trực tuyến OANDA. 

“Tất nhiên, điều đó sẽ thay đổi nếu như các cảnh báo suy thoái bắt đầu xuất hiện, nhưng tôi tin rằng điều đó khó có khả năng xảy ra”, ông nói. 

Dixi tới từ skcharting.com cho biết nếu thủng mốc 1.930 USD/ounce, giá vàng có thể tụt xuống ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 61,8% 1.900 USD/ounce, hoặc có thể về ngưỡng 1.888 USD/ounce. 

Ở chiều ngược lại, nếu như duy trì trên ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 50% 1.930 USD/ounce, ngưỡng mục tiêu đầu tiên sẽ là ngưỡng Fibonacci 38,2% 1.960 USD/ounce, Dixit cho biết. 

“Nếu như vượt qua ngưỡng 1.960 USD/ounce, giá vàng hoàn toàn có thể kiểm chứng ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 23,6% 2.001 USD/ounce.

Bạn đang đọc bài viết "Triển vọng giá dầu, vàng tuần 25 - 29/4" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#