Vì sao tiểu vương Dubai giàu có vẫn lén đầu tư ra nước ngoài?

Hồ sơ Pandora hé lộ việc tiểu vương Dubai sử dụng các công ty ngoại biên để tích trữ tài sản. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao giới siêu giàu vẫn lén đầu tư ra nước ngoài.

Với 11,9 triệu tệp tài liệu mật, Hồ sơ Pandora phơi bày hệ thống tài chính ngoại biên được hơn 300 nhà lãnh đạo cùng quan chức chính phủ từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng để tích trữ, quản lý và giao dịch khối tài sản khổng lồ ở nước ngoài.

Mohammed bin Rashid al-Maktoum, Thủ tướng kiêm Phó tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đồng thời là Tiểu vương Dubai, nằm trong số những lãnh đạo quốc gia bị “gọi tên” trong Hồ sơ Pandora, theo Washington Post.

Mohammed bin Rashid al-Maktoum (72 tuổi), Thủ tướng kiêm Phó tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Tiểu vương Dubai. Ảnh: AFP.

Ba công ty ở thiên đường thuế

Bên cạnh vai trò lãnh đạo cấp cao tại UAE, ông Rashid al-Maktoum là tỷ phú nắm giữ đa số cổ phần của hai công ty đầu tư Dubai World và Dubai Holding.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), thủ tướng 72 tuổi của UAE sở hữu một lượng lớn bất động sản cao cấp và sang trọng trên khắp châu Âu thông qua các công ty ngoại biên (offshore company).

Ông Rashid al-Maktoum được tiết lộ là cổ đông của ba công ty đăng ký tại các “thiên đường thuế” Bahamas và quần đảo Virgin thuộc Anh nhằm tích trữ tài sản ở nước ngoài. Các công ty này lần lượt là Tandem Investco Ltd, Tandem DirectorCo Ltd (đều đăng ký ở quần đảo Virgin) và Allied International Investments Ltd (đăng ký ở Bahamas).

Cả ba công ty nói đều được thành lập vào năm 2008 và đăng ký bởi Axiom Ltd, một doanh nghiệp thuộc sở hữu của Dubai Holding, nơi ông Rashid al-Maktoum là cổ đông chính.

Hiện Tandem Investco Ltd và Tandem DirectorCo Ltd đã đóng cửa còn Allied International Investments Ltd ngưng hoạt động, song chưa được thanh lý.

Hồ sơ Pandora hé lộ một loạt thiên đường thuế mà giới siêu giàu tận dụng để quản lý và tích trữ tài sản. Ảnh: Guardian.

Tại sao thủ tướng UAE bí mật đầu tư ở nước ngoài?

ICIJ cũng cho biết ông Faisal al-Bannai, doanh nhân công nghệ người UAE, là giám đốc của Tandem Investco Ltd và Tandem DirectorCo Ltd từ năm 2011. Ông đồng thời là cổ đông của Axiom Ltd.

Đáng chú ý, ông al-Bannai là nhà sáng lập của công ty an ninh mạng DarkMatter. Vào năm 2019, hãng tin Reuters đã mở một cuộc điều tra về cáo buộc DarkMatter phối hợp chặt chẽ với chính quyền UAE trong các hoạt động tình báo gây tranh cãi.

DarkMatter được cho là tham gia vào quá trình theo dõi công dân Mỹ với sự hỗ trợ của các cựu mật vụ nước này, theo báo cáo của ICIJ.

Điều này làm dấy lên giả thuyết cho rằng những khoản đầu tư thông qua hệ thống offshore của Thủ tướng UAE Rashid al-Maktoum được thúc đẩy bởi động cơ liên quan đến hoạt động tình báo ở nước ngoài.

Ông al-Bannai cũng từng thừa nhận mối quan hệ mật thiết giữa công ty DarkMatter và chính quyền UAE, song phủ nhận cáo buộc về chương trình tấn công mạng được tài trợ bởi chính phủ.

Faisal al-Bannai, nhà sáng lập DarkMatter. Ảnh: Defense Arabia.

Đồng thời, ICIJ cho rằng ông Rashid al-Maktoum sử dụng các công ty đăng ký ở Bahamas và quần đảo Virgin để tránh thuế trong quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh của Axiom Ltd - nhà sản xuất và bán lẻ điện thoại di động.

Việc sử dụng hệ thống tài chính offshore (tức các công ty ngoại biên) không được xem là phạm pháp. Tuy nhiên, hành động này thường được xem là một phương thức tránh thuế của giới tài phiệt.

Thông qua việc miễn hoặc giảm thuế xuống thấp nhất có thể và thậm chí còn không, chính quyền những nơi có nền kinh tế phụ thuộc du lịch có thể biến nơi ấy trở thành thỏi nam châm thu hút người giàu có và nổi tiếng. Những người này sau đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và tạo thêm việc làm.

Hồ sơ Pandora đã hé lộ lượng tài sản và dòng tiền bí mật của một loạt nhân vật có sức ảnh hưởng, vốn được quản lý và ủy thác ở các thiên đường thuế thông qua hệ thống công ty ngoại biên (offshore).

Bên cạnh Thủ tướng UAE Rashid al-Maktoum, Hồ sơ Pandora cũng "gọi tên" Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani của Qatar. Ông được cho là đã sử dụng các công ty ngoại biên để đầu tư và quản lý tài sản. Trước đó, Hồ sơ Panama từng tiết lộ siêu du thuyền trị giá 300 triệu USD của ông được quản lý bởi hệ thống tài chính này.